Search

Eng

Vie

The item you are viewing, we can not develop the English

Báo Cáo Học Bổng "NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH"

Tuesday, 30 November 2010 05:00

Share:

BÁO CÁO
HỌC BỔNG “NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH”

Được xây dựng theo phương pháp "gây dựng nội lực cộng đồng", trong một năm qua Học bổng "Người Bạn Đồng Hành" của Chương trình Khuyết tật & Phát triển (DRD) đã góp phần giúp đỡ các sinh viên và trẻ em khuyết tật được bình đẳng về cơ hội, và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bài báo cáo này điểm qua sơ lược về tinh thần họat động của chương trình và nêu lên một số thành quả và tác động, cũng như những thuận lợi khó khăn và hướng phát triển của chương trình trong tương lại.


Sơ lược về tinh thần họat động

Như tên gọi và như đã nêu trong dự án, chương trình họat động trên tinh thần “Đồng hành” ở nhiều cấp độ khác nhau:


1. Nhà tài trợ, hội đồng tuyển chọn đồng hành cùng DRD qua việc đóng góp học bổng, tuyển lựa, theo dõi các họat động của chương trình, góp ý, cho lời khuyên…
2. Người điều phối chương trình đại diện DRD đồng hành cùng sinh viên và gia đình trẻ KT bằng cách thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, hướng dẫn, tổ chức các buổi sinh họat nâng cao nhận thức và kiến thức cho sinh viên; thăm viếng gia đình trẻ, theo dõi việc dạy kèm và tiến bộ trong học tập của trẻ
3. Sinh viên khuyết tật đồng hành với trẻ KT bằng những buổi dạy kèm, những giờ chia sẻ kinh nghiệm, những lần trò chuyện thân tình

Tinh thần “Đồng hành” này đã làm nên sự khác biệt của “Học bổng Người Bạn đồng hành” so với các chương trình cùng loại. Ở đây, nhà tài trợ, hội đồng tuyển chọn, DRD, sinh viên, trẻ KT là một khối thống nhất, cùng hỗ trợ nhau để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người. Trong khi “Đồng Hành”, mỗi thành viên đều có thể cảm nhận được ý nghĩa của việc cho và nhận. Người cho cũng là người nhận – nhận ra được giá trị của tình người, niềm vui, lòng biêt ơn. Và người lãnh nhận cũng có khả năng cho – cho đi thời gian, kiến thức, nỗ lực mỗi ngày, niềm tin yêu

Những thành quả


Kể từ ngày trao Học bổng đầu tiên (25.10.2008) đến nay (8.2010), chương trình đã đạt được một số thành quả sau:

- Số sinh viên khuyết tật: đã cấp học bổng cho tổng cộng 28 sinh viên khuyết tật
- Số trẻ khuyết tật: tổng cộng có 24 trẻ trong chương trình được dạy kèm. Trong số này có


o 6 trẻ có H của trung tâm Tam Bình,
o 1 trẻ khiếm thị đa tật thuộc mái ấm Nhật Hồng,
o 1 trẻ khiếm thị ở trung tâm Bừng Sáng,
o 1 trẻ ở Mái ấm An Bình,
o 2 trẻ ở trường mù Nguyễn Đình Chiểu,
o 5 trẻ chậm phát triển trí tuệ và
o 8 trẻ khuyết tật vận động ở các gia đình trong thành phố.

- Số buổi sinh họat có chủ đề: Mỗi Chủ nhật thứ tư hàng tháng, chương trình tổ chức sinh họat nhóm lớn với các nội dung phong phú. Tổng cộng có 21 buổi, trong số này có

o 4 buổi trao đổi kinh nghiệm dạy kèm và khó khăn trong cuộc sống;
o 6 buổi tập huấn: “Kỹ năng viết hồ sơ xin việc”, “Kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc”, “Kỹ năng giao tiếp”, “Tầm quan trọng của hội nhóm”, “Giao tiếp trong công sở”, “Chăm sóc sức khỏe”


o 2 buổi giao lưu với nhân vật NKT vượt khó
o 2 buổi sinh họat với sinh viên CTXH đại học Mở và KHXH & NV;
o 2 buổi chia sẻ những khó khăn trong học tập và giải pháp khắc phục
o 2 buổi dã ngoại
o 2 buổi chia sẻ về những giá trị sống: “trung thực”, “nghị lực”
o 1 buổi văn nghệ

- Số lượt tham vấn + đồng hành: Thật khó đưa ra con số cụ thể!!!


o sinh viên: gặp gỡ riêng từng sinh viên, ít nhất một lần để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ thắc mắc, giúp tìm hướng giải quyết những khó khăn, lên kế họach dạy kèm, làm tự lượng giá, chỉnh sửa bài viết, giải quyết mâu thuẫn….
o trẻ và gia đình: vãng gia, thăm viếng gia đình 2 lần/năm để tìm hiểu hoàn cảnh, nhu cầu học tập của trẻ; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với gia đình qua điện thoại, thư tay, thư điện tử để cùng nhau hỗ trợ việc dạy và học.

- Số lượt giới thiệu về chương trình cho các trường đại học, các tổ chức, cá nhân: 123 lượt
- Một video clip được thực hiện
- Máy vi tính: giới thiệu cho 11 sinh viên nhận máy tính do công ty Mai Khanh phối hợp với Báo Tuổi trẻ tặng và trao 3 máy vi tính cũ xin được ở 1 số nơi cho 3 em trẻ khuyết tật khác
- Lập trang web học bổng http://hocbong.drdvn.com
- Vận động và Biện hộ:


o Làm việc với ban Chủ nhiệm Khoa Anh của trường ĐHKHXH & NV để 1 sinh viên khiếm thị được sử dụng phần mềm Jaws khi thi
o Hướng dẫn 3 sinh viên làm giấy xin miễn thực hành quân sự
o Vận động để 2 trẻ KT được đi học
o Hướng dẫn 1 gia đình trẻ xin trợ cấp khuyết tật


- Cơ hội thực tập và việc làm: nhờ bộ phận việc làm của DRD, 3 sinh viên của chương trình có cơ hội thực tập và làm việc tại HSBC và British Council (Hội Đồng Anh)

Những tác động


Chương trình đã có được những ảnh hưởng tích cực đối với các em sinh viên và trẻ khuyết tật – là những người thụ hưởng trực tiếp của chương trình, và cả với gia đình, nhà tài trợ, xã hội và những người trực tiếp tham gia thực hiện chương trình.

Đối với sinh viên khuyết tật:


Học bổng Người bạn đồng hành đã khích lệ các em trong học tập và nuôi dưỡng ước mơ hoàn thành chương trình đại học của các em. Như một số em khác, em Vũ Thành Linh bộc bạch:


Trước khi nhận học bổng, em phải đi dạy thêm, đi phát tờ rơi… để có tiền trang trải cuộc sống. Chi tiêu hàng tháng của em phải tính toán rất chi li và em cũng phải thường nhịn ăn sáng hay ăn mì tôm để không bị thiếu tiền vào cuối tháng. Học bổng hàng tháng của chương trình đã giúp em có thêm tiền để ăn sáng, mua tài liệu học tập và tham gia vào các lớp học tiếng Anh buổi tối, đồng thời giảm thời gian em phải làm việc nhiều và tập trung hơn cho việc học.

Điều lớn lao hơn cả là từ những buổi chia sẻ gặp gỡ, những họat động, và công việc dạy kèm, các em sinh viên lớn lên về mặt nhận thức, quân bình hơn về mặt tâm lý, vững tin vào cuộc sống.

Khi tham gia chương trình học bổng này, điều tôi có được và mãi mãi không bao giờ mất đi, đó là niềm tin vào cuộc sống. Tôi cảm thấy như mình được tái sinh, một tâm hồn mới hồn nhiên và vui tôi. Trong thâm tâm tôi thầm cám ơn Chương trình Người Bạn Đồng Hành vì đã cho tôi thấy mình vẫn là một con người”
(Hoàng Quang Thủ - sinh viên dược)

Tôi là một người may mắn, may mắn khi được sinh hoạt ở DRD, nơi đã cho tôi thấy rằng mình vẫn làm được những việc có ý nghĩa, nơi mọi người luôn giúp đỡ tôi, tạo cơ hội cho tôi có điều kiện để tự lập, khám phá bản thân và trách nhiệm hơn trong cuộc sống. DRD đã thay đổi cách nghĩ của tôi về GIÁ TRỊ SỐNG - điều quan trọng để định hướng những hành động trong tương lai của tôi.
(Nguyễn Mạnh Thắng – sinh viên luật)

Học bổng Người bạn Đồng hành giúp tôi sống đạo đức kỷ luật hơn
(Vũ Thành Linh – sinh viên Công nghệ thông tin)

Bên cạnh đó, nhận học bổng, các em sinh viên có được cơ hội để hiểu thêm triết lý sống “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, được trang bị thêm kiến thức về lĩnh vực khuyết tật và kỹ năng sống. DRD cũng giúp các sinh viên tiếp cận với các cơ hội việc làm thông qua mạng lứơi mà DRD vẫn đang phát triển.

Qua việc dạy kèm trẻ, tôi học đựơc tính kiên nhẫn và phương pháp giáo dục cũng như đặc điểm tâm lý của trẻ. Chương trình đã giúp tôi hiểu, cảm thông, chia sẻ, đồng cảm với những mảnh đời đồng cảnh ngộ, giúp tôi trưởng thành hơn.

(Trần Anh Tâm – sinh viên Công nghệ thông tin)

Chương trình đã giúp em có cơ hội thực tập và làm việc trong một tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, điều mà bất cứ sinh viên nào cũng mơ ước có được, không hẳn thế, nó còn xóa bỏ ý nghĩ rằng "Ở những công ty lớn như thế thì Người khuyết tật không có cơ hội vào làm việc". Khi thực tập ở HSBC em thấy rằng NKT cũng có thể làm được ở bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ công ty nào, sẽ làm tốt công việc được giao nếu họ có cơ hội để được thể hiện năng lực bản thân.”
(Nguyễn Mạnh Thắng – sinh viên luật)

Tóm lại, đối với các sinh viên khuyết tật, Học bổng Người Bạn Đồng Hành là “một chỗ dựa về cả vật chất lẫn tinh thần (Nguyễn Thị Nhung – sinh viên Thư viện thông tin) vì như Nguyễn Thị Thảo – sinh viên Báo chí khẳng định:


Chương trình Người bạn Đồng hành, đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi hiểu được thế nào là tình thương, là biết lắng nghe. Cái cảm giác mặc cảm trong tôi hoàn toàn biến mất. Đến với DRD tôi thấy mình nhận được nhiều quá. Nhiều hơn học bổng hằng tháng và nhiều hơn những gì tôi học được trước đó gộp lại. Tôi đã trưởng thành hơn, tôi chấp nhận khó khăn để tiếp tục những ước mơ của mình. Tôi đã lớn. Nếu nói “ cảm ơn” thì đơn giản quá. Ở đời ai cũng biết nói cảm ơn. Tôi sẽ dùng những ngày tháng phía trước để phấn đấu đi lên, tri ơn những người đã giúp đỡ, khuyến khích động viên tôi.

Đối với trẻ khuyết tật, gia đình/trung tâm:
Chương trình đã mang lại cơ hội học hành, làm phát triển nghị lực, kỹ năng giao tiếp và tạo niềm vui nơi trẻ.

Em cám ơn Chương trình Khuyết tật và Phát triển đã gửi các anh chị đến dạy học cho em. Khi bắt đầu học, em chưa quen nhưng dần dần em nhận ra lòng các anh chị đã tận tâm hết sức, dạy dỗ chúng em tận tình. Em xin cảm ơn chương trình đã giúp chúng em càng ngày càng tiến bộ và đã cho chúng em càng ngày càng thông minh hơn, vui tươi hơn.
(L.T.T.T - trẻ 10 tuổi nhiễm H ở Trung tâm Tam Bình)

Trước đây em đã học lớp 7 ở quận 8 nhưng sau đó em bị bệnh nặng hơn, không thể tiếp tục đi học. Em ở nhà 5 năm nhưng rất muốn đi học. Sau này em biết đến DRD và biết chương trình Người Bạn Đồng Hành. Em được chương trình cho thầy Tùng đến dạy kèm em môn Tóan và thầy Thủ tận tình dạy em môn Hóa để ôn lại kiến thức và đi học lại lớp 8. Được đi học đó là một niềm vui lớn và được gặp các bạn có hoàn cảnh giống em thì em thấy mình có thêm tự tin trong cuộc sống. Qua 2 tấm gương của các anh sinh viên trong chương trình giàu nghị lực, phấn đấu vươn lên trong học tập, em rất khâm phục và thêm ý chí quyết tâm. Em cảm thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa
(em Lưu Yến Bình – bạn trẻ được dạy kèm)

Gia đình/trung tâm giảm bớt lo âu, được tiếp thêm hy vọng vào tương lai của trẻ.

Sau khi được Tâm đến dạy, em Trinh có nhiều tiến bộ. Trước đó chúng tôi đã cho em đi học lớp 1 hai năm mà em chẳng biết gì. Hiện tại em Trinh đã đọc được rồi. Tôi rất mừng!
(Chủ nhiệm mái ấm An Bình)

Trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc bé, gia đình chúng tôi rất lúng túng và vất vả bởi vì chúng tôi không có kinh nghiệm chăm sóc cho trẻ bị khiếm thị. May thay, DRD gửi cô Trang – sinh viên trong chương trình học bổng Người bạn Đồng Hành - dạy dỗ bé trong sinh hoạt hàng ngày và học tập, cô còn tư vấn cho chúng tôi cách nuôi dưỡng và dạy dỗ bé. Sau một thời gian nhờ có cô mà con chúng tôi tiến bộ rất nhiều cả trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong học tập. Chúng tôi thành thật biết ơn cô vì nhờ có cô mà gia đình chúng tôi vững tin hơn trong quá trình chăm sóc và dạy dỗ bé.
(Đỗ Thị Minh Huế - Phụ huynh của bé khiếm thị Đặng Ngọc Hoài Thương)

Đối với những nhà tài trợ: Người Bạn Đồng hành gia tăng ý nghĩa cho những công việc hảo tâm của nhà tài trợ qua sự trưởng thành và niềm vui của các đối tượng hưởng lợi trong chương trình.


Điểm đặc biệt của chương trình này là khi các em nhận các em không chỉ dùng của mình mà còn dùng sức của mình, dùng khả năng của mình để san sẻ lại cho các em có những hoàn cảnh khó khăn khác. Tôi nghĩ rằng đây là một chương trình khiến cho lòng nhân ái được lan sâu hơn, xa hơn, giống như chúng ta mỗi người thắp lên một ngọn lửa truyền đi niềm tin trong cuộc sống. Vì vậy, tôi chọn tài trợ cho chương trình này
(Bà Nguyễn Thị Kim Yến – Phó Tổng giám đốc Công ty nhựa Bình Minh)

Tôi tham gia chương trình vì tôi tin tưởng rất nhiều vào giáo dục. Hỗ trợ chương trình học bổng này là tôi đã tạo cơ hội cho sinh viên khuyết tật được đi học. Và tôi cũng nhận thấy rằng chương trình này đặc biệt ở chỗ sinh viên KT nhận học bổng thể hiện khả năng giúp đỡ người khác không thể đi học. Tôi cảm thấy rất vui vì tôi có thể chia sẻ và đem lại cơ hội học tập cho sinh viên. Bản thân tôi cũng đã rất thích đi học và khi tôi còn trẻ tôi cũng nhận được học bổng nên giờ đây tôi vui sướng góp phần vào chương trình học bổng rất có ý nghĩa này
(Christiane Merz – ThS Công tác xã hội)

Đối với xã hội, theo nhìn nhận của giới chuyên môn

Tính đồng hành của Chương trình học bổng là một hình thức phù hợp vì nJhờ đó bản thân NKT có thể vươn ra để đến với xã hội chứ không chỉ nhận một chiều.
(Bà Tôn Nữ Thị Ninh)

Chương trình học bổng này không chỉ là một sự ban bố mà là một nỗ lực của toàn cộng đồng, một kiểu sống và một cách làm mới thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
(Cố Ths Nguyễn Thị Oanh)



Bài học kinh nghiệm

Đối với những người thực hiện chương trình, Người Bạn đồng hành giúp chúng tôi thêm mở lòng ra với thế giới xung quanh, cảm nhận những vẻ đẹp và ý nghĩa của việc cho và nhận, rút tỉa được những kinh nghiệm cho việc phát triển các mối tương quan đa chiều sâu sắc với người khác. Chúng tôi nghiệm ra rằng phát triển con người là một quá trình dài đường mà kết quả nhiều khi khó thấy, khó đo lường được, do đó khó hiểu đối với nhiều người; và để giúp một con người phát triển phải có nhiều yêu thương, sự kiên nhẫn và sáng tạo.

Khó khăn - Hạn chế


Việc phổ biến chương trình cho đối tượng hưởng lợi:

- Về phía NKT, chỉ có ít hơn 0.1% NKT đang học cao đẳng và đại học trên cả nước. Đa số còn mặc cảm, thụ động nên ít tiếp xúc với và ít tham gia các đoàn thể để nắm bắt thông tin về học bổng.
- Gia đình có con em khuyết tật nặng còn ngần ngại mặc cảm nên dấu trẻ trong nhà. Nhiều người do chưa hiểu hết ý nghĩa của chương trình nên tìm đến chỉ xin trợ giúp vật chất hơn là giáo dục cho con em KT
- Rất ít trường đại học và các tổ chức địa phương nắm rõ số lượng và quan tâm đến sinh viên KT nên việc đưa những thông tin về chương trình học bổng xuống gặp nhiều trở ngại
Kinh phí họat động:
- Hiện nay Người Bạn Đồng hành đang nhận được rất nhiều yêu cầu xin được hỗ trợ học bổng của các em sinh viên khuyết tật đang học tập ở những thành phố khác. Tuy vậy, chương trình vẫn chưa thể phát triển đến những nơi này vì kinh phí họat động còn giới hạn, số lượng mạnh thường quân nhỏ và lẻ tẻ
- Tình hình kinh tế không ổn định nên một số nhà tài trợ giảm bớt hoặc ngưng tài trợ

Ước mơ và Kế hoạch cho tương lai:

Mở rộng địa bàn và đối tượng: Chương Trình mong muốn sẽ mở rộng đến các sinh viên, trẻ em KT sinh sống, học tập tại các tỉnh thành lân cận. Bên cạnh đó, chương trình cũng mong trợ giúp học sinh THPT khuyết tật để nuôi dưỡng ước mơ tốt nghiệp đại học của các em. Chương trình cần có chiến lược tìm kiếm đối tượng hưởng lợi xứng đang, và xem xét việc phối hợp với các tổ chức địa phương, nơi có nhân lực phù hợp cho việc theo dõi, và hỗ trợ cho đối tượng của chương trình theo đúng nguyên tắc “đồng hành”.


Có nguồn và nhà tài trợ hỗ trợ lâu dài: Để làm được điều này, chương trình cần có kế họach phổ biến chương trình cho nhiều người hơn và vận động tài trợ

TPHCM, ngày 4.9.2010

Nguyễn Thụy Diễm Hương    

 

Share:
Will you join us?
Co-operate Donate

Related post

Go to top