Search

Vie

Eng

Người phụ nữ luôn tin rằng: “Đời rất đẹp”

Thứ hai, 03 tháng 03 2014 14:33

Chia sẻ:

Chị Võ Thị Hoàng Yến tốt nghiệp hai bằng cử nhân kinh tế và sư phạm Anh văn; tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành phát triển con người (ĐH Kansas, Mỹ 2004); là người điều hành chương trình Khuyết tật và phát triển từ năm 2005.

 

Tuổi thơ không may

 

Là con gái út trong gia đình, Võ Thị Hoàng Yến khi ra đời cũng xinh tươi và lành lặn như các anh chị mình. Đến năm 3 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã cướp đi của chị khả năng đi đứng bình thường. Thương con, nhưng mẹ chị luôn đối xử với chị công bằng như những đứa con khác. Có lẽ tính tự lập của chị cũng được rèn luyện từ đó.

 

Đến tuổi đi học, chị cũng đến trường như bao đứa trẻ khác. Chị nghĩ mình cũng giống như bạn bè, chỉ có điều chân chị đi đứng khó khăn hơn. Nhưng khi vào cấp 2, ánh mặt cùng những lời trêu chọc của bạn bè khiến chị biết rằng mình không giống bạn bè, chị nói: “thái độ của những người bên ngoài mới làm mình cảm nhận mình là người khuyết tật. Nếu như hồi cấp I tôi không nhận ra điều này thì ở cấp II tôi thấy mình khác trong mắt những bạn bè xung quanh”.

 

Tuy bị trêu chọc nhưng chị không bao giờ nản chí, chị nổ lực không ngừng để trở thành một trong 3 học sinh có số điểm tốt nghiệp cao nhất trường cấp 3, thi đậu đại học Kinh tế tp.HCM. Ra trường, chị hăm hở đi xin việc ở nhiều công ty, nhưng rồi đều bị từ chối.

 

Và lần chị nhớ nhất, đó chính là khi nộp đơn vào một liên doanh đang cần tuyển kế toán trưởng. Chị được gọi phỏng vấn. Khi xem qua thành tích học tập của chị cùng bản lý lịch và kiểm tra khả năng ngoại ngữ, ông giám đốc đã nhận chị vào làm việc ngay. Chị vui mừng ra về, đinh ninh rằng mình đã có việc làm. Không ngờ ngày hôm sau khi chị đến nhận việc thì cô thư ký giám đốc nói với chị rằng công ty có một chút thay đổi… “lúc đó chị đã hiểu ra sự thật” – chị nói

Từ chối học bổng tiến sĩ để trở về Việt Nam

Sau lần xin việc đó chị đã trăn trở rất nhiều, “tại sao người khuyết tật luôn bị đối xử bất công?”. Có lẽ chính từ đó, giấc mơ của chị đã hình thành. Chị mong muốn làm điều gì đó cho người khuyết tật, để những người như chị có thể sống một cách bình đẳng trong cộng đồng, được hưởng những quyền lợi bình thường như bao người khác.

Con đường hiện thực hóa giấc mơ ấy cũng lắm gian nan. Chị học thêm bằng cử nhân anh văn ở đại học Sư phạm, và trở thành một trong 18 người Việt Nam nhận được học bổng toàn phần của quỹ Ford năm 2001. Chị chọn học chuyên ngành Phát triển con người tại đại học Kanas, Hoa Kỳ. Trả lời câu hỏi tại sao lại chọn trường này, chị chỉ kẽ cười: “vì trường có một trung tâm nghiên cứu về người khuyết tật”.

Những ngày học ở đất khác cũng lắm chông gai, ngành học mới, môi trường mới, buộc chị phải cố gắng gấp đôi, gấp ba bạn học. Thế rồi những cố gắng hơn người của chị cũng được đền đáp khi chị tốt nghiệp xuất sắc chương trình học, bảo vệ thành công luận án với đề tài “ Nâng cao nhận thức cho sinh viên khuyết tật tạ các trường đại học Hoa Kỳ” và được mời báo cáo tại trụ sở chính của World bank ở Washington D.C.

Sau khi tốt nghiệp, chị nhận được một suất học bổng toàn phần học tiếp chương trình tiến sĩ, đồng thời là một lời đề nghị về làm việc cho một ngân hàng phát triển các nước châu Mỹ Latinh. Nhưng dường như những sức hút đó không đủ lớn để lưu giữa trái tim chị. Chị quyết định từ chối tất cả, quay về Việt Nam với ước mơ cháy bỏng năm nào – giúp đỡ cho những người cùng cảnh ngộ như mình.

chandungchiYen01

Hơn 20 bạn trẻ khuyết tật thuộc Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD tại tòa nhà Bitexco.

“DRD – Đời Rất Đẹp”

Khi về nước, trải qua nhiều gian nan, trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD, trực thuộc khoa Xã hội học trường Đại học Mở tp.HCM) do chị làm người điều hành ra đời vào ngày 03-12-2005. Cuối cùng cây đời cũng đơm trái ngọt! Sự ra đời của trung tâm đã mang lại cho chị hạnh phúc lớn lao, mở ra cho nhiều người khuyết tật cơ hội mới, và… cũng mở ra cho chị một bước ngoặt trong cuộc đời.

Đúng với tinh thần lạc quan, không đầu hàng nghịch cảnh, trung tâm DRD là một mái nhà chung cho nhiều người khuyết tật. DRD đã có rất nhiều dự án đặc biệt như: : “Vận động các tổ chức xây dựng trụ sở đúng quy chuẩn cho NKT tiếp cận”, “Tư vấn cho các doanh nghiệp cách sử dụng lao động là NKT”, “Tư vấn cho NKT kỹ năng xin việc”… nhằm hỗ trợ hết mình để người khuyết tật có thể hòa nhập tốt nhát vào cộng đồng.

Một điều đặc biệt là DRD hiện không nhận tiền quyên góp từ thiện, mà chỉ nhận tiền hỗ trợ hoạt động các dự án.  Vì DRD tin một điều: : “Khuyết tật chỉ là hạn chế; NKT hoàn toàn có thể học tập, làm việc không thua kém người không khuyết tật, nếu được tạo điều kiện học tập, và làm việc thích hợp”.

chandungchiYen02

Công ty TNHH Diageo Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) tổ chức buổi ra mắt Chương trình tặng máy tính cho người khuyết tật.

Cũng với niềm tin ấy, một hội quán mang đậm tinh thần, niềm tin yêu vào cuộc sống của DRD ra đời với cái tên cũng đầy lạc quan – “Đời Rất Đẹp” – một cái tên rất DRD. Đây là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn khiếm thính, và một điều đáng nói là từ người người làm chủ nhiệm cho đến đối tượng phục vụ chính cũng là người khuyết tật.

Hy vọng với sự ra đời của hội  quán này, người khuyết tật sẽ có thêm tự tin hơn, hòa mình tốt hơn vào cuộc sống. Tôi cũng hy vọng ước mơ của chị Yến sẽ ngày càng lớn mạnh, nó sẽ không còn là giấc mơ của riêng chị, mà trở thành giấc mơ của nhiều người hơn nữa, để tất cả chúng ta đều thấy rằng: “Đời Rất Đẹp!”.

--

Bên cạnh DRD, chị còn sáng lập và điều hành Thư viện điện tử (có tính tiếp cận cho người khuyết tật) về lĩnh vực khuyết tật (2008), sáng lập và điều hành chương trình học bổng Người bạn đồng hành cho sinh viên khuyết tật và trẻ khuyết tật nặng không thể đến trường (2008). Hiện chị còn là giảng viên môn hành vi khoa xã hội học, ĐH Mở – bán công TP.HCM

Nguồn: Báo Chí

 


Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Từ khóa: Bài viết về DRD, Gương điển hình, Hoàng Yến, Người khuyết tật, Phụ nữ khuyết tật

Tin liên quan

Go to top