Search

Vie

Eng

Để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng

Thứ sáu, 04 tháng 12 2009 14:23

Chia sẻ:

Để người khuyết tật không còn tự ti và mặc cảm thì cần có sự thay đổi từ cả hai phía: người khuyết tật và người không khuyết tật. Sự thay đổi này hướng tới việc tạo ra cơ hội thiết thực cho người khuyết tật nhiều hơn hơn là việc chỉ giúp đỡ, quyên góp ủng hộ mang tính tức thời.

nguoikhuyettat-121009

Chính môi trường chung quanh phải được điều chỉnh để tạo điều kiện phù hợp cho người khuyết tật. (Minh Khánh) 

Mô hình xã hội cho người khuyết tật ở Việt Nam

Mô hình xã hội đối với người khuyết tật khác với mô hình truyền thống ở chỗ người khuyết tật không còn bị xem là có vấn đề và phải tự điều chỉnh để phù hợp với môi trường. Chính môi trường chung quanh phải được điều chỉnh để tạo điều kiện phù hợp cho người khuyết tật. Có như vậy thì họ mới có thể phát triển hết tiềm năng và tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội giống như những thành viên khác.

Gần đây, càng ngày càng có nhiều những đêm ủng hộ, quyên góp vì người khuyết tật, cuộc thi hoa hậu nào cũng có phần thăm hỏi người khuyết tật đầy nước mắt và những phát biểu ''nhói lòng''. Thế nhưng ngay cả khi số tiền quyên góp được đưa vào một chương trình nhắm đến việc giúp người khuyết tật nhận ra giá trị bản thân và hướng đến việc nỗ lực phát triển tiềm năng thì những hỗ trợ từ số tiền này cũng chỉ mang tính từ thiện và nhất thời.

Chị Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Chương trình khuyết tật và phát triển (DRD) và cũng là một người khuyết tật, chia sẻ: “Không có người tàn tật mà chỉ có xã hội tạo ra người tàn tật. Người ta không thể quyên góp và làm từ thiện mãi cho người khuyết tật được. Chính những rào cản đó làm cho những người chỉ bị hạn chế một số chức năng trở nên tàn tật.”

Theo chị Yến, nếu cân nhắc đến vấn đề tiếp cận cho người khuyết tật ngay từ ban đầu thì kinh phí xây dựng chỉ tốn thêm từ 0% đến 3%. Thế nhưng nếu phải chỉnh sửa sau này theo Luật Người Khuyết tật và Qui chuẩn xây dựng tiếp cận thì sẽ phải tốn thêm ít nhất là 12%. Xây dựng tiếp cận không phải chỉ “đặc biệt” phục vụ cho người khuyết tật mà mọi người đều được hưởng lợi từ đó. Ví dụ như khi xây dựng một tòa nhà, nếu người thiết kế nghĩ tới việc thực hiện một lối đi dành cho người khuyết tật thì cả những người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người bình thường cũng sử dụng được lối đi này. Còn nếu không thì việc sửa chữa sau này để người khuyết tật sử dụng được sẽ tốn chi phí hơn rất nhiều.

Hành động thực tiễn

Chị Bích, phụ trách mảng việc làm của DRD, cho biết trung tâm đang tập trung nhiều hơn tới việc xây dựng dịch vụ tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Công việc này khó khăn nhất ở ba vấn đề: nhân lực thực hiện, mạng lưới doanh nghiệp và kinh phí.

“Doanh nghiệp phải thực sự hiểu người khuyết tật để có thể tạo ra được môi trường làm việc bền vững, tạo ra cơ hội cho người khuyết tật phấn đấu và cố gắng trong công việc. Như thế thì hai bên mới có thể hợp tác với nhau được lâu dài chứ không thì một vài bữa là người khuyết tật bị sa thải hoặc tự nghỉ việc”, chị Bích cho biết.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Khi nhận một người khuyết tật vào làm việc, bên cạnh sự cảm thông, doanh nghiệp cần phải xây dựng các phương tiện làm việc thích hợp, ví dụ như người đi xe lăn thì cần diện tích hay bàn ghế làm việc phù hợp.

Bên cạnh việc đào tạo kỹ năng cho người khuyết tật phát triển hòa nhập với xã hội, giúp đỡ họ trong vấn đề việc làm, DRD còn có một hoạt động quan trọng khác là tham vấn đồng cảnh. "Có một cô gái rất xinh đẹp, chuẩn bị đi học ngành du lịch thì gặp chấn thương tủy sống do đi giày cao gót bị té dẫn đến liệt đôi chân. Khi vào viện cô liên tục nói mình bị mất ngủ để bác sĩ cho thuốc ngủ nhưng cô gom lại và định làm một liều lớn để tự vẫn. Sau khi gia đình phát hiện ra và nhờ đến chương trình tham vấn đồng cảnh của DRD thì sau sáu tháng, cô gái đã hòa nhập lại với xã hội và hiện nay cô đã mở một quán cà phê tại thành phố Hồ Chí Minh. Để tham vấn đồng cảnh được thành công thì người tham vấn phải kiên trì, hiểu và đồng cảm với những mất mát mà người khuyết tật gặp phải", chị Ánh Loan, phụ trách chương trình, chia sẻ.

Để người khuyết tật không còn tự ti và mặc cảm, để họ thấy được những giá trị mà bản thân họ có thể tạo ra cho cuộc sống đó thì cần có sự thay đổi từ cả hai phía: người khuyết tật và những người bình thường. “Nếu chúng ta chỉ giúp đi lại, giúp tiền chữa bệnh hoặc đóng học phí được một lần, còn sau đó họ vẫn không biết chắc được mình sẽ phải tự xoay xở tiếp như thế nào thì cách giúp như thế có thiết thực chưa? Liệu có thiết thực không nếu chúng ta chỉ cho ăn, cho mặc và cho chỗ ở mà không quan tâm đến những nhu cầu khác như vui chơi giải trí, học tập và phát triển tiềm năng, nhu cầu được làm việc để thấy mình hữu ích”, chị Yến kết luận.

Nguồn: radioaustralia.net.au

 


Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Từ khóa: Bài viết, Bài viết về DRD, Chương trình xã hội, Công tác xã hội, Hoàng Yến, Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Tin liên quan

Go to top