Search

Vie

Eng

"Bức trần vô hình"

vi Thứ năm, 28 tháng 03 2013 17:00

“Đôi khi họ phải đâm vào bức trần, có thể bị chảy máu mới hy vọng tạo ra sự thay đổi”, bà Donna Hamlin, Giám đốc (GĐ) Intrabond Capital đã ví von nỗ lực của phụ nữ để thoát khỏi “bức trần vô hình” tại buổi tọa đàm “Phụ nữ lãnh đạo và bức trần vô hình” do tổ chức Ngân hàng Thế giới và Viện Trí Việt thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức ngày 29/3.

Bức trần vô hình chính là chế độ chính sách của cơ quan, thực trạng văn hóa và nhận thức của xã hội, kể cả nhận thức chủ quan của chính phụ nữ

Những rào cản

Bà Donna Hamlin nêu thực tế: khảo sát cho thấy, các công ty làm ăn tốt thì bao giờ tỷ lệ lãnh đạo giữa nam và nữ khá đều, phải có ít nhất ba người phụ nữ trong dàn lãnh đạo. Nhìn nhận vai trò của nữ giới, bà Đinh Thị Bạch Mai, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM khẳng định: “Công tác phụ nữ ở TP những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, chứng minh bằng con số cán bộ quản lý nữ đương nhiệm, diện quy hoạch đào tạo lâu dài ngày càng tăng. Tuy nhiên, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại ngay trong nếp nhà, xã hội đã dẫn đến khoảng cách lớn về giới trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống là điều khó tránh khỏi. Thiệt thòi thường nghiêng về phía nữ giới do hoàn cảnh, thiên chức và truyền thống”.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng GĐ Sài gòn Co.op dẫn chứng: “Người phụ nữ phải nỗ lực phấn đấu gấp đôi đàn ông mới có thể giỏi việc nước, đảm việc nhà. Đôi khi thiên chức của người phụ nữ cũng là “bức trần” với họ. Nhiều chị đã chọn con đường lui về chăm sóc con cái, hy sinh cho chồng con, gia đình”.

Bà Võ Thị Hoàng Yến, nhà sáng lập - GĐ Trung tâm Khuyết tật và Phát triển chỉ ra nghịch lý: “Khi một lãnh đạo nữ mới về cơ quan, phái nam thường kháo nhau chị ấy có đẹp không, có dễ thương không mà ít quan tâm đến năng lực của họ... Những áp lực từ bên ngoài đã tạo ra bức trần vô hình. Đàn ông quyết đoán thì được khen, còn nữ thì bị nói là kiêu ngạo, hung hăng”.

Bà Hà Thu Thanh, Tổng GĐ Deloitte VN nhìn nhận: “Trong những lĩnh vực khắc nghiệt, sức mạnh của đàn ông sẽ nổi trội hơn. Ví như nghề của tôi phải thường xuyên đi đánh golf với khách hàng, nhưng phụ nữ chúng tôi muốn có ngày cuối tuần bên gia đình, trong khi các ông thì có thể đi thoải mái. Muốn thay đổi tư duy của xã hội thì cần phải có thời gian để thay đổi từ phía chồng và gia đình chồng”.

alt
Các nữ lãnh đạo phát biểu tại buổi tọa đàm

Có nên “cấp quota” nữ làm lãnh đạo?

Đó là câu hỏi được nhiều nữ đại biểu đặt ra.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nêu: “Chúng ta đòi hỏi cần phải đặt “chỉ tiêu” có nữ làm lãnh đạo trong các lĩnh vực để làm gì, trong khi điều cần quan tâm hơn đến chất lượng công việc của họ sẽ như thế nào. Đôi khi sự cơ cấu mà vượt quá năng lực, trình độ trở thành áp lực, khiến họ không giữ được uy tín của mình”. Bà Hạnh đưa quan điểm: vừa tạo điều kiện, vừa đòi hỏi nữ giới phấn đấu đến khi nào đủ lực làm lãnh đạo thì hãy đề bạt.

Bà Donna Hamlin cho rằng: Định mức tỷ lệ lãnh đạo nữ trong một cơ quan tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động. Tuy nhiên, có cơ cấu hay không thì cũng phải quan tâm đến vấn đề năng lực và chất lượng.

Bà Hoàng Yến cũng phản đối việc cơ cấu một cách mù quáng: nếu ưu tiên là xem nhẹ năng lực của người phụ nữ. Hãy để thời cơ chín muồi thì tự khắc người phụ nữ có năng lực phù hợp làm đúng vị trí của mình.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh kết luận: định mức được áp dụng một cách “thông minh” sẽ cho kết quả tốt, ứng viên nữ mà đưa vào có năng lực còn non hơn nhu cầu thì không nên đưa vào. Nhưng cần thiết có vườn ươm, quy hoạch cho nữ giới phấn đấu.

Theo các đại biểu, phụ nữ muốn làm lãnh đạo phải có sự nỗ lực rất lớn và sự chia sẻ từ gia đình, chính sách Nhà nước. Họ không đồng tình với cơ cấu, mà muốn ngẩng đầu đi lên từ chính thực lực bản thân.

TIÊU HÀ

Nguồn: Báo Phụ Nữ

 


Từ khóa: Chia sẻ, Giao lưu, Hoàng Yến, Người khuyết tật, Phụ nữ khuyết tật, Sống đẹp

Tin liên quan

Go to top