Search

Vie

Eng

Chút tản mạn trong mưa

vi Chủ nhật, 29 tháng 10 2000 17:00

 

Cố thu nhỏ người lại trên chiếc xe lăn tồi tàn cho đỡ lạnh, nhìn cảnh trời nước mênh mông, tôi bỗng ước ao phải chi mình cứ nhỏ lại, nhỏ lại, và giống như Alice, rơi tõm vào một cái lỗ đen ngòm nào đó và lạc vào một xứ sở thần tiên để có thể quên đi cảnh đời hiện tại. Trong cơn mưa to thế này, Sài gòn bỗng biến thành thành Venise với đường phố là những con sông uốn lượn, nhưng khổ nỗi chiếc xe lăn của tôi lại không thể biến thành chiếc xuồng con để có thể lướt êm trên mặt nước , giúp tôi giải phóng được hết xấp vé số trên tay. Tôi bị kẹt ở đây bên dưới một tàn cây to để tránh mưa mà lại hồi hộp chẳng biết khi nào thì có một nhánh cây rơi xuống và làm cho cái thân thể đã méo mó này càng thêm khó coi. Cách chỗ tôi chỉ hai thước là một mái hiên khá khô ráo lẽ ra đã có thể giúp tôi đỡ ướt, nhưng xe lăn của tôi lại không thể nào lên được vỉa hè. Đói meo và lạnh run, tôi bỗng đâm ra triết lý. Ừ, chỉ có một cái barrier có hai tấc mà đã không thể vượt qua được thì làm sao có thể vượt qua được tất cả những cái barrier khác của cuộc đời!


 

Lúc mới sinh tôi là một chú bé bụ bẫm, khôi ngô và mọi người đều đóan rằng tôi sẽ có một tương lai sáng sủa. Rồi một cơn sốt quái ác đã lấy mất của tôi đôi chân. Ba má tôi đã bán đi tất cả những đồ đạc ít ỏi trong nhà để chạy chữa cho tôi nhưng không có kết quả. Lớn lên tôi mới biết rằng bệnh này không thể nào chữa được. Có điều lúc nhỏ tôi sống rất vô tư. Mọi người trong làng đều quen biết tôi nên cư xử với tôi rất bình thường và điều đó làm cho tôi thấy mình không có gì khác lạ so với những đứa trẻ khác. Tôi cũng đi học, trường học ở làng quê không có lầu nên tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện phải ngưng việc học hành. Tôi học giỏi và hăng hái tham gia vào các phong trào. Tôi là cán bộ lớp, cán bộ trường và là cây đinh của phong trào văn nghệ. Tôi có thể “ngồi” trước tòan trường hát say sưa mà không hề mặc cảm.

Đến khi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học thì tôi vấp phải cái barrier đầu tiên của cuộc đời, và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là phân biệt đối xử. Tôi đã tuyệt vọng trước cái cầu thang cao vút, nhưng các anh chị sinh viên gác thi rất tốt, đã giúp tôi lên được lầu hai để dự kỳ thi. Tôi vượt qua được kỳ thi tuyển nhưng lại không vượt qua được lần khám sức khỏe.

Buồn bã và thất vọng nhưng không muốn là gánh nặng của người thân nên tôi lại cố gắng học nghề với hy vọng có thể tự nuôi sống được bản thân. Tôi học nghề in lụa, tin rằng nghề này phù hợp với sức khỏe của mình nên sẽ dễ dàng tìm việc. Tôi kéo lụa rất nét và có thể tự đóng những khuôn phơi. Nói chung, tôi cố biết càng nhiều càng tốt vì tin rằng cái khéo tay sẽ bù cho phần sức khỏe khiếm khuyết. Thế nhưng khi xin việc, tôi lại vấp phải cái barrier thứ hai không kém phần cay nghiệt. Nhờ một người quen, tôi được nhận vào làm cho một công ty in ấn bao bì có một bộ phận nhỏ in lụa, nhưng khi gặp tôi, họ lại bảo tôi về chờ đến khi nào có việc thì họ sẽ gọi. Bằng sự nhạy cảm của người khuyết tật, tôi hiểu rằng mình đã bị từ chối. Sau đó, một người trong công ty đã nói nhỏ với tôi rằng lúc đầu người chủ tưởng tôi chỉ bị tật nhẹ, đến khi biết tôi chỉ có thể ngồi một chỗ làm việc thì họ không muốn nhận. Họ cho rằng một người “bình thường” có thể làm nhiều việc, trong khi những người khuyết tật chỉ có thể làm một việc và như thế thì không có lợi về mặt kinh tế. Tôi cũng thông cảm với họ thôi, thời buổi kinh tế thị trường mà! Tôi cũng định học đồ họa vi tính vì nghe nói nghề này dễ xin việc, nhưng lại thôi. Một anh bạn của tôi rất giỏi đồ họa và làm cho một công ty thiết kế nổi tiếng đã được hai năm, làm đến tổ trưởng cơ đấy. Thế rồi một hôm có một “sếp lớn” đến và nghe đâu cho rằng anh ấy làm xấu mặt công ty nên đã cho anh nghỉ việc (anh ấy phải đi nạng mà!). Anh ấy nói lẽ ra anh có thể kiện họ nhưng vì thương tình anh “sếp nhỏ” nên thôi (người khuyết tật vẫn thường cam chịu và dễ thông cảm như thế đấy!). Chúng tôi cũng nghe nói về một nghị định gì đó của chính phủ bắt buộc các doanh nghiệp phải nhận 2-3% người khuyết tật, nhưng họ hoặc là nhận những người tật nhẹ, hoặc là lảng tránh bằng những cớ gì đó khó mà bắt bẻ được, còn chúng tôi thì không biết kêu ai nên đành phải làm thinh.

Không muốn xin ăn, thế là tôi đi bán vé số để sống qua ngày. Nhưng với công việc đơn giản này thôi tôi cũng vấp phải không ít những barrier. Tôi chỉ có thể lăn xe trên đường chứ không thể lên được những vỉa hè và như thế có nghĩa là rất khó bán. Như hôm nay, kẹt trong trận mưa dai dẳng của cơn bão cuối năm như thế này thì có lẽ không còn đến vốn chứ nói gì đến kiếm lời. Chỉ cầu mong sao trong xấp vé số này tôi trúng được một ít để gỡ lại vốn, nhưng chắc là khó. Bạn bè tôi vẫn thường gọi tôi là “con trâu trắng” mà: đi đến đâu là mất mùa đến đó. Mọi thứ với tôi đều phải trật vuột đến dăm lần mới xong. Cả chuyện yêu đương cũng thế. Không dám nghĩ đến mà cũng dăm ba lần được yêu, nhưng rồi cũng không vượt qua được chính mình. Nghĩ mình cuộc sống bấp bênh, vướng vào chỉ làm khổ lây người khác nên lại thôi. Rồi người ta đi lấy chồng, rồi lại dằn vặt tiếc nuối…

Thành phố lên đèn đã lâu. Trời vẫn xám xịt. Mưa thì như thiu trời thối đất. Nước mênh mông không còn phân biệt được đâu là đường đâu là vỉa hè nữa. Lại một cái barrier khác của cuộc đời phải cố dò dẫm mà vượt qua vì ngồi mãi ở đây thì chắc cũng sẽ giống như cô bé bán diêm thiếp đi trong giấc ngủ dài mà mơ về một căn phòng ấm áp thôi. Nhưng cũng không thể về được chỗ trọ vì con hẻm nhấp nhô không nhìn ra được ổ gà họa có mà chết đuối! Chắc là xin ngủ trọ ở một trụ sở công an nào đó thôi, nhưng không biết có lên được vỉa hè không nữa. Quả là họa vô đơn chí!


THIẾU CHÂN NHÂN

 

Từ khóa: Người khuyết tật, Sáng tác, Sống đẹp, Hoàng Yến, Bài viết về DRD

Tin liên quan

Go to top