Search

Vie

Eng

Cô gái đồng hành cùng người khuyết tật

vi Chủ nhật, 19 tháng 10 2008 17:00

“Ta mang cho em một đóa quỳnh, quỳnh thơm hay môi em thơm...”. Chị tự đệm guitar gỗ và hát nhiều tình khúc Trịnh Công Sơn, chiếc nạng dựng sát bên, tựa vào tay ghế chị đang ngồi. Nếu có dịp đến một buổi sinh hoạt của Nhân viên xã hội, bạn sẽ dễ bắt gặp hình ảnh trên. Chị là giám đốc chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD: Disability Resource and Development) - thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến.

Chân phải bị bại liệt vì trận sốt vào năm ba tuổi, cô gái nhỏ Hoàng Yến bước vào đời với cuộc sống kém may mắn và hứng chịu không ít những kỳ thị đối với người khuyết tật.

Sốc vì bị phân biệt đối xử

“Má ơi, kiến cắn đau lắm!”-cô bé ba tuổi thường ôm mẹ khóc trong đêm. Đêm nào người mẹ cũng thức khuya xoa bóp chân cho con, chong đèn dầu trong mùng đọc sách cho con nghe để quên cơn đau.

Cô gái nhỏ sống tuổi thơ hồn nhiên trong con xóm nhỏ. Ở đó, mọi người đều biết và quen thuộc nhau nên không ngạc nhiên hay phân biệt về khuyết tật của cô. Cô vẫn tham gia các trò chơi cùng những đứa trẻ trong xóm: đánh trỏng, bắn bi, bắt cá, đá dế... Có khi cô bé còn được làm thủ lĩnh. Rời “trường làng” ra “trường chợ”, cô bé đón nhận những ánh mắt ngạc nhiên, những lời chọc ghẹo của bạn học. “Hông biết lớn lên nó làm gì để sống!”. Hoàng Yến bắt đầu ý thức được sự khác biệt của mình, cô tủi thân rơi nước mắt. Nhưng nhớ đến tình yêu thương và mối lo lắng của mẹ, cô thầm thách thức: “Bay cứ chọc đi, tao sẽ học giỏi hơn bay cho bay coi!”.

Vào đại học, Hoàng Yến càng ý thức sự bất lợi của mình khi những ngành nghề cô yêu thích: giáo viên, nhà báo, nhà văn... đều khó theo đuổi được. Cuối cùng, cô chọn Đại học Kinh tế. Sau đó, tiếp tục lấy bằng hai chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, ròng rã đi xin việc, cô vẫn không được nơi nào nhận làm chỉ vì cô là người khuyết tật.

Trong một lần đi phỏng vấn cho công việc kế toán trưởng, cô đến và ngồi vào bàn trước khi ông giám đốc đến nên ông không biết cô là người khuyết tật. Sau khi phỏng vấn, ông giám đốc rất hài lòng và quyết định: “Thứ Hai cô đến làm việc”.

Tuy nhiên, khi Hoàng Yến đi làm, thư ký của giám đốc đã nói lại: “Công ty có một số thay đổi, chị cứ về, công ty sẽ gọi lại cho chị sau...”. “Đó là cú sốc lớn trong đời. Tại sao người khuyết tật lại bị phân biệt đối xử?” - cô nhớ lại.

“Đồng hành” cùng người khuyết tật

Hoàng Yến “săn” được một suất học bổng toàn phần chuyên ngành phát triển con người (human development) tại Đại học Kansas (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, cô từ chối nhiều lời mời làm việc tại các tổ chức quốc tế và suất học bổng toàn phần tiến sĩ để trở về Việt Nam vì “trái tim tôi ở Việt Nam”. Về nước, chị vừa tham gia giảng dạy tại Đại học Mở TP.HCM, ĐH Đà Lạt... vừa lên kế hoạch để xây dựng chương trình DRD hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ.

Lập ra DRD, Hoàng Yến đã thuyết phục và xin được tài trợ từ quỹ Ford (Ford Foundation). DRD đã giới thiệu việc làm cho nhiều người khuyết tật, tham vấn tâm lý giúp họ thay đổi suy nghĩ, quyết tâm vượt lên số phận. Sau gần ba năm hoạt động, quỹ Ford đã quyết định tiếp tục tài trợ vì tính hiệu quả và thiết thực của chương trình. Lúc này Hoàng Yến mới thở phào: “Vừa làm chương trình vừa lo vì nó chỉ là một tổ chức bé nhỏ chưa ai biết tới và ban đầu còn bị nghi ngờ: Để coi đi học ở Mỹ về làm ăn ra sao”.

Mới đây, chị lại ngược xuôi vận động nguồn tài trợ và lập ra học bổng Người bạn đồng hành với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng cho sinh viên khuyết tật. Sinh viên khuyết tật được chọn sẽ được trao học bổng cho đến khi ra trường. Bù lại, sinh viên nhận học bổng sẽ cam kết dạy kèm, dìu dắt những trẻ khuyết tật nặng hơn. Thạc sĩ Hoàng Yến chia sẻ ý nghĩa của học bổng: “Sinh viên khuyết tật nhận học bổng và có được cơ hội để hiểu thêm triết lý sống “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, họ sẽ không có tư tưởng ỷ lại...”. Ngày 12-10, Người bạn đồng hành đã trao 13 suất học bổng đầu tiên cho các sinh viên khuyết tật.

“Tôi mắc nợ cuộc đời!”

“Có lẽ từ lâu chị đã không còn để ý đến khiếm khuyết ở chân mình nữa?”. Chị cười: “Tại sao phải để ý, chỉ có đôi khi chạy bộ, leo cầu thang thấy không nhanh bằng người khác thôi chứ đâu có gì!”. Chị tự tin và lạc quan khi nói đến điều kém may mắn của mình.

Chưa thấy ai chịu học, chịu làm lại chịu chơi như chị. Ngày nhỏ, chị đã dành dụm tiền cả năm trời để mua cây đàn guitar về tự học. Những lúc rảnh rỗi, chị lại tự đệm đàn say sưa hát cùng bạn bè, đồng nghiệp. Tự nhận mình “tham lam”, chị cũng yêu thích nhiếp ảnh. Chị cùng bạn bè đã từng thực hiện thành công triển lãm ảnh về cuộc sống người khuyết tật tại TP.HCM, thu hút hơn 2.000 khách tham quan.

Chị chia sẻ: “Tôi có được ngày hôm nay một phần là nhờ tình yêu thương của những người thân, nhất là của mẹ tôi”. Trong tình yêu thương của gia đình, chị hàm ơn, giữ nụ cười trìu mến với cuộc sống và tự nhận mình là người “mắc nợ cuộc đời”: “Ta nợ chiều tà giọt sương trên lá, Ta nợ ban mai nắng ngả chân mây, Nợ người ta yêu tình chẳng tròn đầy...”.

Chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD) được thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến thành lập vào ngày 3-12-2005 trực thuộc khoa Xã hội học ĐH Mở TP.HCM. DRD tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia vào tất cả hoạt động giống như những thành viên khác của xã hội nhằm thúc đẩy sự bình đẳng cơ hội cho người khuyết tật. DRD có nhiều hoạt động, dịch vụ: Thư viện chuyên về lĩnh vực khuyết tật (thư viện đầu tiên tạo được sự tiếp cận với các dạng tật), tham vấn đồng cảnh, hỗ trợ việc làm, tập huấn... DRD đang chuẩn bị cơ sở cho việc phát triển chuyên ngành Công tác xã hội với người khuyết tật tại Đại học Mở TP.HCM.

TRÀ GIANG

Nguồn: Phapluattp

 

Từ khóa: DRD và các hoạt động, Gương điển hình, Hoàng Yến, Người khuyết tật, Nhận thức, Phụ nữ khuyết tật, Sống đẹp

Tin liên quan

Go to top