HÀNG KHÔNG GIÁ RẺ VÀ CUNG CÁCH PHỤC VỤ HÀNH KHÁCH
vi Thứ hai, 22 tháng 10 2007 17:00
Đầu tháng 8-2007, người viết bài này - cũng là người
khuyết tật (NKT)- đã sử dụng Hàng Không Giá Rẻ Easy Jet ở Châu Âu để bay từ
Paris đến Roma rồi từ Roma trở lại Paris. Lúc mua vé cháu tôi quên không yêu cầu
sự hỗ trợ giành cho NKT, nhưng đến khi sắp hàng check-in, nhận ra tôi là NKT,
nhân viên của Easy Jet đã hướng dẫn tôi đến một văn phòng hỗ trợ NKT. Sau đó tôi
được họ phục vụ hết sức tận tình và chu đáo mà không phải trả thêm bất cứ một
khoản phí nào.
Ngày 5-8-2007, hãng Hàng Không Giá Rẻ Châu Á Low-cost
Carrier AirAsia cho biết họ sẽ chi 6 triệu Ringgit (tiền Malaysia tương
đương với khoảng 1.578.947 dollar) để cải thiện những dịch vụ hỗ trợ
hành khách khuyết tật mà không đòi hỏi những hành khách này chi trả
thêm bất cứ đồng nào. Ngoài xe nâng, ghế nâng, và xe lăn, những tiện
nghi, dịch vụ bao gồm cả những trung tâm liên lạc cho người khuyết tật thông qua
website đã đi vào hoạt động được 3 tháng. Hãng cũng sẽ đào tạo cho toàn bộ
phi hành đoàn của AirAsia và nhân viên của trung tâm liên lạc về cung cách
phục vụ khách hàng là NKT. Trưởng phòng quản lý nhân sự AirAsia Datuk Tony cho
biết họ sẽ tiến tới một bước cao hơn đó là thuê NKT cung cấp dịch vụ cho những
hành khách khuyết tật vì, theo lãnh đạo hãng, chính NKT mới hiểu NKT cần
gì. (Easier for the disabled to fly AirAsia, The Star online http://thestar.com.my/news/story
)
Ngày 12-8-2007, Hải Yến, một phụ nữ khuyết tật Việt
Nam đãphải trả thêm Pacific Airlines (PA) 50 dollar cho dịch vụ hỗ trợ NKT
nhưng vẫn không có xe lăn. Nhân viên tại sân bay chỉ mang giúp hành lý và bế
dùm con nhỏ, còn Hải Yến vẫn phải tự chống nạng đi, với một chân bị mất và
chân kia cũng bị thương tật do tai nạn. Lúc mệt quá, Hải Yến đề nghị mượn xe lăn
thì được nhân viên trả lời là không có và còn bảo rằng: 'Chị đã đi được một
đoạn thì nên cố gắng đi tiếp’ (Tuổi Trẻ online 23-8-2007). Người điều hành
cao nhất của PA còn cho biết là PA sẽ ghi danh "đen" tên của khách khởi
kiện (Tuổi Trẻ Online, 19-8-2007).
Cộng đồng NKT Việt Nam và những người quan tâm NKT vô
cùng phẫn nộ, và họ có quyền phẫn nộ trước thái độ mỉa mai khiêu khích
của người lãnh đạo PA.
Xét về đạo lý làm người và đạo đức kinh doanh:
Người Việt Nam ta luôn tự hào về truyền thống tương thân, tương ái của mình.
Trong lúc những người nước ngoài khỏe mạnh đến Việt Nam còn được giúp đỡ băng
qua đường cho an toàn (báo Lao Động, 7-8-2007), thì PA lại có thể từ chối một
lời đề nghị chính đáng (vì đã trả tiền thuê dịch vụ hỗ trợ) và cấp thiết cho sức
khỏe của một “thượng đế” vừa là bà mẹ có con nhỏ, vừa là NKT? Không kể đến hàng
không của những nước Châu Ấu giàu có, hàng không Malaysia còn mong muốn phục vụ
tốt nhất cho hành khách khuyết tật theo cách hiểu tiến bộ nhất và nhân bản nhất
“chính NKT mới hiểu NKT cần gì” thì chẳng lẽ hàng không của Việt Nam trong
thời buổi gia nhập WTO lại chứng tỏ sức mạnh hội nhập của mình bằng cung cách
phục vụ như thế sao? Hay vì đại đa số NKT Việt Nam thường nghèo nên có ít người
xứng đáng là “thượng đế” của PA?
Xét về qui định và chính sách: Ông Lại Xuân Thanh, Phó
cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam , cho biết Luật Hàng không và thông lệ quốc
tế quy định rõ nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm quan tâm chăm sóc tới khách
hàng của mình, nhất là những người khuyết tật (Tuổi Trẻ online, 23-8-2007). Có
lẽ qui định về “trách nhiệm quan tâm chăm sóc” này còn chung chung quá nên PA
mới không biết rõ mình phải chăm sóc khách hàng như thế nào cho đúng?
Còn nếu việc chăm sóc đồng nghĩa với đóng thêm phí phục vụ
thì rõ ràng NKT, và cả những bà mẹ có con nhỏ, những người đang bệnh hay đang
thương tật tạm thời, người già yếu,… đã bị phân biệt đối xử, vì “Phân biệt
đối xử là khi một người hoặc một nhóm người bị đối xử khác đi hoặc không công
bằng chỉ bởi vì họ khác biệt về chủng tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo, hoặc
vì họ bị khuyết tật.” (theo Ngân Hàng Thế Giới http://www.word-bank.com/words_output).
Và “Công bằng xã hội là một tình trạng xã hội mà ở đó những nhóm người khác
nhau có cùng vị thế, theo một khía cạnh cụ thể nào đó, ít nhất là ở quyền bầu
cử, quyền tự do ngôn luận và hội họp, quyền sở hữu tài sản, và quyền tiếp cận
các loại hình dịch vụ xã hội” (http://en.wikipedia.org).
Ngay từ đầu năm 2006, Thủ Tướng Chính Phủ đã ra Chỉ Thị Số:
01/2006/CT-TTg ngày 09 -01-2006, nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan nhà
nước, xã hội và gia đình đối với NKT. Một trong những nhiệm vụ đó là tạo điều
kiện thuận lợi cho NKT tiếp cận các công trình công cộng.
Đầu năm nay, 2007, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã thông
qua Công Ứơc về Quyền của NKT, một công ước mà theo Phó Tổng Thư Ký LHQ, ông
Mark Malloch Brown, “sẽ tạo điều kiện để NKT có được sự bình đẳng” bằng cách
“loại bỏ hết những rào cản” có tính phân biệt đối xử về thái độ, cơ hội tham gia
các hoạt động xã hội, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, và NKT sẽ được bảo vệ
về mặt xã hội (http://news.bbc.co.uk).
Như vậy, về mặt luật pháp thì đối xử công bằng không có nghĩa
là một em học sinh khuyết tật phải đóng tiền nhiều hơn mới được đi học, một NKT
phải đóng thêm tiền mới tiếp cận được với xe buýt, xe điện, xe lửa, hoặc máy
bay.
Là một doanh nghiệp đương nhiên PA phải nghĩ đến hiệu quả
kinh doanh của mình. Nhưng hàng không là một loại hình kinh doanh có tính đặc
thù vì đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mạch máu lưu thông của quốc gia và
là bộ mặt của quốc gia trong thời kỳ hội nhập, cả về ý nghĩa kinh tế lẫn xã hội.
Vì vậy, nếu chỉ vì lợi ích kinh doanh mà PA hành xử như thế thì chúng tôi e rằng
PA đang vi phạm cả về đạo lý làm người và đạo đức kinh doanh, lẫn qui định và
chính sách hàng không, đồng thời còn làm xấu đi một “hình ảnh Việt Nam” mà những
người tâm huyết đang cùng khát vọng đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trong cuộc
đua tranh toàn cầu (Giản Tư Trung, Tuổi Trẻ Online 22-8-2007).
Chương Trình Khuyết Tật và Phát Triển (DRD)
(đã được trích đăng Tuổi trẻ ngày 29-08-07
Từ khóa: Bài viết, DRD, Hoàng Yến, Người khuyết tật, Phát triển cộng đồng, Vận động và biện hộ