TÌNH YÊU VÀ AXÍT
vi Thứ bảy, 27 tháng 01 2007 17:00
MỘT VÀI SUY NGHĨ SAU KHI ĐỌC BÀI BÁO
Cô gái khuyết tật dùng a-xít "giải quyết" tình yêu (Thanh
Niên ngày 5/01/2007)
Chúng ta hãy hình dung con ếch đang ngồi nơi đáy giếng, với nó, khoảng
không tròn tròn bé bé bên trên là cả một bầu trời! Cũng giống như thế, với những
người thiếu điều kiện để tiếp xúc hay mở rộng những mối thân quen, một mối quan
hệ thân tình là cả cuộc đời với họ. Người khuyết tật, do phạm vi hoạt động bị bó
hẹp bởi môi trường đầy rào cản xung quanh và mặc cảm tự ti về hình thể của mình
nên họ hoặc là co lại và nghi ngờ tất cả, hoặc là mở toang lòng ra đón tất cả
những mối thân quen để rồi sau đó quằn mình đau vì thất vọng, nếu niềm tin của
họ đặt không đúng chỗ, hoặc họ ngộ nhận sự quan tâm của người khác là một thứ
tình cảm đặt biệt giành chỉ cho riêng mình!
Dĩ nhiên, về mặt pháp luật và về tình người thì hành động của T là không
thể tha thứ, và chắc chắn cô ấy sẽ phải trả giá thật đắt cho hành vi tàn nhẫn
của mình, mà sự day dứt của lương tâm trong suốt những tháng ngày sắp đến mới
thật sự là kinh khủng! Tuy nhiên, câu chuyện tác giả đưa lên vẫn còn thiếu quá
nhiều dữ kiện để có thể phân tích xem kết quả của ngày hôm nay là do ở nơi ai.
Theo các nhà nghiên cứu (American Psychological Association), có rất nhiều
tố dẫn đến những hành vi có tính bạo lực ở thanh thiếu niên. Những yếu tố dẫn
đến bạo hành có thể là: bạn bè xúi giục hay khích bác; cần được quan tâm, chú ý;
cảm thấy cuộc sống của mình kém giá trị; lúc tuổi ấu thơ bị bạo hành hay bị bỏ
rơi; chứng kiến những cảnh bạo hành trong gia đình, trong khu vực, hay trong các
phương tiện truyền thông; và dễ dàng tìm được vũ khí hay công cụ bạo hành (trong
trường hợp của T là axit). Càng có nhiều yếu tố này hiện hiện trong cuộc sống
của một người, thì người đó càng có khuynh hướng bạo hành.
Điều gì làm cho một người có thể bạo hành (đánh đập, đâm chém, tạt axit,…)
người khác hoặc tự hành hạ ngay chính bản thân mình (cắt tay, tự tử,…)? Thật khó
mà tìm được câu trả lời chính xác. Nhưng họ bạo hành có thể là do một hay những
nguyên nhân sau đây:
- Họ muốn giải toả nỗi bực bội hay giận dữ vẫn chất chứa trong lòng. Họ
nghĩ rằng không có câu trả lời cho những khúc mắc của họ và dùng bạo lực để bày
tỏ cảm xúc của mình.
- Họ sử dụng bạo lực để khống chế người khác hay đạt được điều họ muốn.
- Họ sử dụng bạo lực là một cách để trả thù người đã làm tổn thương họ hay
tổn thương người họ thương yêu.
Thường những người có hành vi bạo hành là những người yếu đuối và không
kiểm soát được cảm xúc của mình. Họ rất dễ bị tổn thương. Một vài người nghĩ
rằng bằng đe doạ hay bạo hành họ có thể giải quyết được vấn đề của họ (nghĩa là
có được điều họ muốn) hoặc có được sự kính trọng của người khác (những người xúi
giục hay khích bác họ chẳng hạn). Thật sự thì càng bạo hành họ càng bị căm ghét
và xa lánh nhiều hơn, và kết quả là người thực hiện hành vi bạo hành sẽ càng cảm
thấy bực bội và giận dữ thêm.
Nếu chúng ta nhìn thấy nhiều trong số những dấu hiệu sau đây ở một người
nào đó, bạo hành rất có khả năng xảy ra : xa lánh bạn bè, người thân; cảm thấy
cô đơn hay bị chối bỏ; từng là nạn nhân của bạo hành hay lạm dụng; học hành hay
công việc bị giảm sút; không được đi học hoặc không có việc làm ổn định; thường
xuyên có thái độ thiếu tôn trọng người khác; không thừa nhận cảm xúc của mình;
không công nhận quyền của người khác; có thái độ giận dữ gần như hằng ngày;
thường xuyên cải vã hoặc đánh nhau; thường huỷ hoại đồ vật, hành hạ thú vật;
tăng lượng sử dụng rượu hay ma tuý; có những hành vi liều lĩnh hoặc tự huỷ hoại
bản thân; hay đe doạ người khác; hay bàn kế hoạch bạo hành; hay mang theo vũ
khí; v.v…
Giống như những hành vi khác, bạo hành là hành vi học được (nghĩa là không
tự dưng mà có). Bây giờ, nếu quay trở lại với câu chuyện của chúng ta thì các
bạn nghĩ gì? Chúng ta hãy thử hình dung T (hay của bất cứ một đứa trẻ nào trong
gia đình): Có thể do sinh ra bị khiếm khuyết, nên T là đứa con được cả nhà cưng
chiều và từ nhỏ đã muốn gì được nấy. Có thể khi còn bé, mỗi lần có điều gì không
như ý là T ném vỡ hay đập phá đồ đạc, và sau đó là đạt được điều mình muốn.
Mặc khác, tình huống của T cũng lộ rõ những dấu hiệu cảnh báo khả năng bạo
hành có thể xảy ra. Vì là người khuyết tật, ít cơ hội giao tiếp và không có
nhiều bạn bè nên có thể T luôn có cảm giác cô độc. Vì luôn mặc cảm mình là người
khuyết tật nên T không có người yêu và luôn cảm thấy cô đơn. Đến khi gặp Đ, anh
này do có người em gái khuyết tật nên cũng hết sức cảm thông và chiều chuộng T.
Sự quan tâm và chiều chuộng này làm T ngộ nhận rằng mình được yêu, vì thế T cảm
thấy tổn thương ghê gớm khi bị từ chối tình yêu (nếu như Đ thật sự là người
không có lỗi lừa đảo hay phản bội). Cô đã từng tự huỷ hoại bản thân mình - “tự
tử vì chán đời” (hay còn những dấu hiệu khác mà qua một bài báo chúng ta không
được rõ).
Hành vi học được nghĩa là thay đổi được, dĩ nhiên không dễ dàng chút nào.
Vì khó có thể xác định một nguyên nhân duy nhất của bạo hành nên chúng ta không
thể có một giải pháp duy nhất cho bạo hành. Các bậc cha mẹ không nên quá chìu
chuộng con mình để rồi vô tình củng cố những hành vi sẽ dẫn đến sự bạo hành sau
này của chúng. Cách tốt nhất để ngăn chặn bạo hành là chúng ta học cách nhận
diện những dấu hiệu của bạo hành, và tìm sự hỗ trợ từ người thân hoặc từ những
nhà chuyên môn nếu chúng ta nhận thấy những dấu hiệu này ở bạn bè hay người thân
của mình.
Ngoài ra, tập huấn kỹ năng sống và tạo những mô hình sinh hoạt tích cực
cũng rất cần thiết cho thanh thiếu niên và những đối tượng thiệt thòi khác trong
xã hội, đặc biệt là những người khuyết tật - những người luôn gặp rào cản trong
sinh hoạt, học tập và làm việc. Có như thế “những con ếch” mới không còn ngồi
nơi đáy giếng để ngỡ rằng bầu trời chỉ be bé bấy nhiêu thôi, mà học được cách mở
rộng bầu trời của mình ra để hoà cùng với bầu trời chung của xã hội.
Chương Trình Khuyết tật và Phát Triển
Từ khóa: Chia sẻ, DRD, Hoàng Yến, Nhận thức, Phát triển cộng đồng