Search

Vie

Eng

BẮT NẠT – MỘT KIỂU BẠO HÀNH CHỐN HỌC ĐƯỜNG

vi Thứ bảy, 05 tháng 05 2007 17:00

Cách đây mấy năm, năm 2000, tôi đã nghe các em học sinh trường cấp 3 HV kể về các “băng nhóm” nữ sinh. Có băng đi xe đạp thường, băng đi mini phượng hoàng của Trung Quốc, băng đi charly, băng đi cup nữ hoàng, v.v… Các em hay tìm cách gây hấn với nhau chỉ vì “nhìn thấy phát ghét”, và đã có những cuộc hẹn để “thanh toán nợ nần với nhau” - áo dài trắng buộc lại nhét lưng quần. Sau này tôi cũng nghe mấy đứa cháu học cấp 2 kể về những vụ bắt nạt diễn ra thường xuyên ở toilette hoặc bên hông trường học. Một sinh viên trẻ ở ký túc xá NCT cũng kể rằng có những nhóm “đàn anh” đôi khi lôi một bạn sinh viên mới nào đó vào phòng, đóng kín cửa lại và “dần cho một trận” chỉ vì “cái mặt khó ưa”. Gần đây báo chí cũng đưa nhiều tin về những trận hỗn chiến, những trận đánh hội đồng của các nhóm học sinh để rồi có người được chở đi cấp cứu và những người ra hầu tòa trong đồng phục học sinh.


Hiện tượng học sinh bắt nạt nhau diễn ra mọi lúc, mọi nơi trên khắp thế giới, và ở tất cả những cấp lớp khác nhau. Bắt nạt có hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Một hay một nhóm học sinh có hành vi bắt nạt một hay một nhóm học sinh khác một cách trực tiếp thí dụ như trêu chọc, mắng nhiếc, đe dọa, đánh đập, và lấy cắp đồ dùng cá nhân; hoặc gián tiếp bằng cách tung tin đồn để nói xấu, tẩy chay hoặc cô lập em này.

Hậu quả?

Người lớn, cả thầy cô lẫn cha mẹ, có khi không hay biết, có khi xem đó như là một phần tự nhiên của tuổi mới lớn nên để các em tự giải quyết (trừ khi những hành vi này đi đến thái quá) mà không biết rằng những hành vi bắt nạt được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ra những tổn thương thể chất hoặc tâm lý cho nạn nhân, và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường học tập chung vì các em học sinh không cảm nhận được sự an toàn ngay trong chính ngôi trường của mình.

Các em bị bắt nạt lại thường bị cô lập nên không muốn đến trường vì những bạn bè khác sẽ xa lánh do không muốn “cùng nhóm với kẻ đáng ghét” hoặc “cùng nhóm với kẻ yếu thế” để bản thân cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt. Tình trạng bị bắt nạt kéo dài, ngoài ảnh hưởng xấu việc học tập, còn có tác hại rất lớn đến sự phát triển của các em, cả về mặt xã hội lẫn cảm xúc. Các em rất dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém, những điều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các em ngay cả lúc đã ở tuổi trưởng thành.

Kể cả những em chỉ chứng kiến chứ không tham gia bắt nạt cũng bị ảnh hưởng. Chứng kiến sự bắt nạt các em sẽ cảm thấy lo lắng và sợ hãi, và nếu thấy những kẻ bắt nạt không hề bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành kẻ đi bắt nạt trong tương lai. Những cuộc thăm dò (Educational Psychology Review) đã cho thấy rằng những em chứng kiến mà im lặng thì 33% cảm thấy giận dữ nhưng bất lực, cho rằng lẽ ra các em nên làm gì đó nhưng đã không dám làm; 24% cho rằng việc đó chẳng liên quan gì đến các em, điều này nếu kéo dài và lặp đi lặp lại sẽ tạo nên một nhóm người vô cảm trước những bất công hay nỗi đau của người khác.

Nhiều nghiên cứu thực hiện ở các nước Bắc Mỹ, một số nước Châu Âu, và Châu Á đã cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa hành vi thường xuyên bắt nạt người khác ở thời niên thiếu của một cá nhân với những hành vi phạm pháp hoặc thiếu khả năng duy trì những mối quan hệ tốt sau này khi cá nhân đó trưởng thành (theo Bulach, Fulbright, and Williams. Instructional Psychology, 2003). Đồng thời, một em học sinh bị bắt nạt thường xuyên có thể đi đến tự tử hoặc nổi loạn để trả thù (như việc đâm hoặc bắn chết hàng loạt bạn đồng học). Việc bắt nạt dẫn đến những vụ bạo hành chấn động đã gây lo lắng cho các nhà lập pháp đến nỗi vào tháng 7-1999 bang Georgia của Mỹ đã phải ban hành bộ luật liên quan đến bắt nạt.

Tại sao việc bắt nạt xảy ra?

Do thích thú. So với những em học sinh khác thì cả những em đi bắt nạt lẫn những em bị bắt nạt đều có vấn đề trong việc học và trong mối quan hệ với bạn đồng học, nhưng những em đi bắt nạt thường có tính khí lì lượm hoặc thể chất khỏe mạnh, cảm thấy thích thú với “vị trí xã hội” (được nể sợ) của mình trong khi những em bị nắt nạt thì lại cảm thấy cô độc và thấp kém. Một số em chứng kiến sự bắt nạt một cách thích thú hoặc đôi khi reo hò cổ vũ mà không hề thấy cắn rứt lương tâm vì không biết tí gì về hậu quả tai hại và lâu dài của những hành động này đối với những người bạn bị bắt nạt.

Do định kiến hoặc ganh ghét. Những nghiên cứu về bắt nạt cũng cho thấy nếu chúng ta hỏi những em đi bắt nạt, hoặc một số em chứng kiến sự bắt nạt thì các em cho rằng nạn nhân “rất đáng ghét” nên phải “dạy cho nó biết cư xử hơn”. Cái điều “thấy ghét” đó có nhiều nguyên nhân: các em thấy so với nạn nhân mình nghèo hơn (nó toàn xài đồ xịn và hay khoe của “Cái điện thoại di động hơn chục triệu đồng của nó cứ hát um xùm trong lớp!”); thiệt thòi hơn (ba mẹ nó cưng chìu và người đưa kẻ rước trong khi mình thì ba mẹ chẳng bao giờ nói tới!); học kém hơn (thầy cô cứ khen nó còn mình thì gọi là “đồ ngu”, “đồ xóm nhà lá”); bạn tài năng hơn (nó nổi tiếng chơi đàn để xem nó đánh nhau có bằng mình không!); v.v. và v.v. rất nhiều so sánh dựa trên suy nghĩ sai lầm của các em về giá trị sống.

Do gia đình. Lối giáo dục của gia đình và cách cư xử của các thành viên trong gia đình với nhau cũng góp phần tạo nên những đứa trẻ có tính khí hung hăng và hay bắt nạt người khác. Sống trong một gia đình thiếu sự quan tâm và mối quan hệ ấm áp thân tình, các em luôn phải đè nén cảm xúc nên thường xuyên có cảm giác cô đơn và muốn tìm cách giải tỏa nỗi cô đơn này. Gia đình mà cha mẹ hay chửi mắng, đánh đập con, và thường xuyên gây gổ đánh nhau hoặc gia đình có anh chị em hay bắt nạt nhau cũng là môi trường “hoàn hảo” cho những hành vi hung hăng hay bắt nạt phát triển. Các em lớn lên trong những gia đình này xem bắt nạt như một việc bình thường, và muốn tồn tại thì mình cũng phải biết cách phản kháng hay bắt nạt lại người khác. Những bức bối đè nén từ gia đình thường được các em mang theo “đổ” vào bạn học yếu thế của mình.

Do nhà trường. Môi trường học tập, mối quan hệ trong nhà trường và sự giám sát của nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện phát triển hay giảm bớt sự thường xuyên và mức độ trầm trọng của nạn học sinh bắt nạt nhau. Thái độ của những người quản lý và thầy cô đối với những những hành vi bắt nạt và kỹ năng giám sát và can thiệp cũng ảnh hưởng rất lớn đến các ứng xử của họ đối với những hành vi này. Ở trường, các em học sinh cá biệt (và thường có khuynh hướng trở thành kẻ đi bắt nạt hoặc bị bắt nạt) không cảm thấy mình được mong đợi vì các em luôn bị đổ thừa là tác nhân làm giảm thành tích của lớp, của trường. Lúc đó, thầy cô sẽ không tìm hiểu kỹ những tác nhân thực sự của việc nắt nạt mà sẽ “dán nhãn” và dễ “đổ thừa nạn nhân”, và lời nói hoặc cách cư xử có tính chất nhục mạ của giáo viên đối với học sinh cũng là một trong những “khuôn mẫu” bắt nạt để các em noi theo hoặc tạo thêm cớ để các em bạo hành.

Nạn nhân là ai?

Thường thì những em bị bắt nạt là những em yếu đuối về thể chất, rụt rè nhút nhát, không có kỹ năng kết bạn nên ít bạn bè, thường tách biệt, luôn cảm thấy thiếu sự hỗ trợ chung quanh nên dễ sợ hãi, và thiếu tự tin vào khả năng và sức mạnh của chính mình. Những em này cũng thường được cha mẹ bảo vệ thái quá nên thiếu độc lập.

Một số em do thiếu kỹ năng giao tiếp hoặc tính khí thất thường nên “dễ làm người khác bực mình” và cũng có thể trở thành nạn nhân của những hành vi bắt nạt.

Tại sao các em im lặng?

Với những tính cách điển hình như thế, hầu hết các em bị bắt nạt thường hoặc là cam chịu và không hé môi về việc này hoặc là rất lâu sau đó mới kể cho người lớn nghe việc các em bị bắt nạt. Thường là do các em cảm thấy xấu hổ về sự yếu kém của mình nên sợ bị chê cười, lo sợ bị trả thù tệ hại hơn nếu báo cáo lại vì không tin rằng người lớn có thể bảo vệ được mình tại những nơi thường diễn ra việc bắt nạt (toilet, sân trường, trên đường đi …). Các bậc cha mẹ và thầy cô thường không hay biết gì về tình trạng bắt nạt đang diễn ra nên ít khi trao đổi với các em vấn đề này

Chúng ta nên làm gì?

Mặc dù không thể thay đổi được tính khí của học sinh hay lối giáo dục của gia đình, một ngôi trường có những chương trình hoạt động xã hội lôi cuốn để các em giải tỏa năng lượng hoặc chứng tỏ giá trị của mình, có quan hệ thầy trò gần gũi để các em dễ tỏ bày, hoặc có nhân viên xã hội học đường để lắng nghe các em, có những biện pháp để theo dõi và giám sát những hành vi có tính chất bắt nạt thì nạn bắt nạt trong trường học sẽ giảm đi đáng kể.

Trừng phạt không phải là một biện pháp hiệu quả, vì nếu chúng ta phạt lầm nạn nhân khi các em tự vệ (nghĩa là cùng dán nhãn “gây rối trật tự” cho tất cả các em trong cuộc) thì vô tình chúng ta củng cố cảm giác đơn độc và không được bảo vệ ở các em. Còn nếu chúng ta kỷ luật và đuổi học các em có hành vi bắt nạt thì chúng ta không giải quyết được cái gốc của vấn đề mà lại vô tình đùn đẩy vấn đề sang cho người khác (gia đình, khu phố nơi các em sinh sống) vì rời khỏi sự giáo dục và giám sát của nhà trường, các em có thể gia nhập hoặc thành lập những băng nhóm gây rối thêm cho xã hội.

Vì vậy, nhà trường nên thay hình phạt bằng việc trang bị cho các em học sinh những kỹ năng xã hội, để ít nhất các em biết cách cách kết bạn để không đơn độc lẻ loi, và biết cách đối phó với những kẻ bắt nạt (như kiểm soát cảm xúc, thương thuyết …). Còn những em hay bắt nạt người khác cũng được hỗ trợ và hướng dẫn để các em hiểu rằng giận dữ và bạo lực là không đúng và không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, đồng thời học được cách kiểm soát sự giận dữ và ứng xử thích hợp với hoàn cảnh.

Nói tóm lại, bắt nạt trong chốn học đường là một vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của các em cả về học tập lẫn xã hội, vì vậy muốn giải quyết tốt tình trạng này nhà trường cần phải có một chương trình hành động không chỉ tập trung vào mỗi kẻ bắt nạt và nạn nhân mà phải toàn diện, bao gồm tất cả những người liên quan như các thầy cô, phụ huynh, đoàn đội, … trong những chính sách hay qui định cụ thể về hành vi bắt nạt, tập huấn kỹ năng cho thầy cô và học sinh, và đặc biệt cần ít nhất một nhân viên xã hội học đường.

Võ T. Hoàng Yến

ThS. Phát Triển Con Người

ĐH Mở TP. HCM

Tuôỉ Trẻ Cuối Tuần 06-05-2007

 

Từ khóa: Bài viết, Chia sẻ, DRD, Hoàng Yến, Phát triển cộng đồng

Tin liên quan

Go to top