FESTIVAL ÂM NHẠC WATABOSHI CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG LẦN THỨ 10 & PHONG TRÀO “ABLE ART” –
NGHỆ THUẬT CỦA SỰ KHÁC BIỆT và NỐI KẾT
(TP. SUWON, GYEONGGI 31/8/2009 -04/09/2009)
--------
Festival âm nhạc Wataboshi Châu á Thái bình dương bắt đầu vào năm 1976 tại vùng Nara của nước Nhật, một chương trình biểu diễn chuyển tải thật sống động tinh thần nghệ thuật và cuộc sống đẹp đẽ của những người khuyết tật (NKT) qua những lời nhạc sáng tác bởi chính họ. Festival này cũng là cơ hội cho nghệ sĩ khuyết tật các nước gặp gỡ, trao đổi và kết nối. Đến năm 1991, Wataboshi bắt đầu lan rộng đến các nước khác ở Châu Á và cứ 2 năm một lần được đăng cai bởi các nước khác nhau trong khu vực. Thailand vừa được chọn là nước chủ nhà của Festival WATABOSHI 2011.
Phong trào ‘Able Art’ mang ý nghĩa nghệ thuật của sự khác biệt, của những tiềm năng và “không” thất bại. Người đời vẫn xem rằng khuyết tật có nghĩa là thất bại, là chấm hết, là không còn bất cứ một khả năng nào để tham gia vào các hoạt động xã hội thông thường, nói chi đến lĩnh vực nghệ thuật. Vì vậy Phong trào Able Art nhằm chuyển tải thông điệp rằng NKT vẫn là con người với những khả năng và tiềm năng nên họ hoàn toàn có thể tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật, cũng như mang lại thêm sự phong phú và giá trị mới cho lĩnh vực nghệ thuật.
Festival âm nhạc Wataboshi Châu á Thái bình dương lần thứ 10 được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật của tỉnh Geyonggi, Hàn Quốc với sự tham dự của 12 nước Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ, Nepan, Thailand, Hongkong, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Úc, và Việt Nam (Singapore không tham dự được vì các nghệ sĩ gặp vấn đề sức khỏe).
Các quan chức cao cấp của tỉnh Geyonggi đã đến tham dự lễ khai mạc. Ngài thống đốc Kim Moon Soo cho rằng “Mấy năm qua chúng ta đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường phúc lợi xã hội cho NKT, nhưng việc tham gia của NKT vào các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vẫn còn bị bỏ quên, trong khi nghệ thuật cũng chính là phương tiện để NKT tự khẳng định mình, là chiếc cầu nối những người bị tách biệt này với cộng đồng xã hội, và xóa bỏ tất cả những định kiến và phân biệt đối xử đối với họ.”
Đêm biểu diễn thu hút hơn 2000 khán giả. Họ hoàn toàn xúc động trước điệu múa của cô gái khiếm thị Nepan. Cô hoàn toàn không thấy gì, nhưng những nét đẹp mà cô diễn tả lại cho mọi người nhìn thấy toàn bộ nét đẹp văn hóa của quê hương cô.
Các nghệ sĩ khiếm thị bày tỏ những khao khát của mình “Tôi ước ao có thể nhìn thấy tâm hồn em qua đôi mắt em để có thể nhìn thấy được những nghĩ suy mà ngôn từ không thể nào diễn đạt được…” (Lui Chee Chau – Malaysia), “Em tin rằng khi anh cảm nhận được tình yêu của em, em sẽ nhìn thấy trên bầu trời triệu ngôi sao lấp lánh cùng thức giấc với tình yêu của anh…” (Sristi K.C- Nepal), “Khi phát hiện ra tình yêu tim em tràn ngập niềm hy vọng. Giá băng tan chảy trong tim em… Em không còn sợ bão tố… Tay trong tay ta hướng ra thế giới… (Kim ha Sun - Korea), và “Nếu như tất cả mọi người biết yêu, chúng ta sẽ tìm ra sức mạnh…” (Wong Minh Yang – Hongkong).
Sadahiro Harumi (Nhật), cô gái bị khuyết tật do rối loạn chức năng não, thì tiết lộ qua bài hát Giải thoát của cô: “Hàng ngày, khi tôi kể lại câu chuyện của mình, tôi không còn sợ hãi những người không khuyết tật nữa. Tôi không còn nghĩ họ cười nhạo mình, và bắt đầu nhìn thấy mọi người mĩm cười với tôi…”. Nhóm nghệ sĩ đến từ Úc thì nồng nhiệt với bài Chúng tôi vẫn còn sống “Mặc dù chúng tôi khác biệt, nhưng hãy nhìn xem những gì chúng tôi có thể làm. Chúng tôi có thể hát, chơi đàn, và quan tâm đến mọi người. Chúng tôi luôn nhìn về tương lai và không bao giờ ngoái lại…. Chúng tôi vẫn còn sống!”
Và khán phòng đã lặng người với câu chuyện tình buồn của Thế Vinh qua giọng hát thật đẹp, thật da diết của Thủy Tiên hòa cùng tiếng đàn sâu lắng, tiếng harmonica khoắc khoải của Thế Vinh. Bài hát là câu chuyện tình buồn của riêng anh, và của chung những NKT luôn gặp phải những rào cản trong cuộc đời, đặc biệt là khi đến với tình yêu đôi lứa. Rào cản lớn nhất luôn đến từ phía gia đình của người yêu vì ít ai tin rằng một NKT có thể mang đến cho con cái của họ hạnh phúc và một cuộc sống đủ đầy! Những tràn pháo tay ùa vỡ sau khi họ kết thúc bài hát. Rất nhiều khán giả, đặc biệt là những người đến từ Nhật Bản, đã đến bắt tay bày tỏ lòng ngưỡng mộ và chúc mừng hai bạn “Biểu diễn của các bạn là tiết mục hay nhất, ấn tượng nhất của đêm nhạc!”. Thế Vinh và Thủy Tiên đã mang lại vinh dự cho Việt Nam.
Kết thúc đêm diễn tất cả các nghệ sĩ cùng lên sân khấu và hát bài hát tinh thần của Festival âm nhạc Wataboshi. Họ say sưa hát và cứ hát mãi chẳng muốn dừng “… Xin hãy mang đi khắp mọi nơi thông điệp của chúng tôi. Khi tất cả mọi người hiểu được chúng tôi, mọi người sẽ dang tay nâng đỡ, và hạt giống tình yêu sẽ nảy nở trên khắp thế gian này…. Mặc dù chúng tôi khác biệt nhưng chúng tôi vẫn sống đầy cảm xúc… Ai cũng có ước mơ của riêng mình. Mong rằng một ngày kia chúng ta sẽ xây lên một thế giới mới… Cho chúng tôi cơ hội nghĩa là bạn đang biến những ước mơ của chúng tôi thành sự thật… Xin hãy mang đi khắp mọi nơi thông điệp của chúng tôi. Khi tất cả mọi người hiểu được chúng tôi, mọi người sẽ dang tay nâng đỡ, và hạt giống tình yêu sẽ nảy nở trên khắp thế gian này…”
Festival Wataboshi lần thứ 10 chưa kết thúc thì niềm mong mõi lại bắt đầu cho chương trình Festival Wataboshi lần thứ 11 với nhiều nước tham dự hơn, phong phú và đặc sắc hơn.
TP, Hồ Chí Minh, 05-09-2009
Võ T. Hoàng Yến
Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD)
Tuoitre: