"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai...", lời ca mang thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc khởi động buổi giao lưu Sống vì cộng đồng do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Những trái tim hướng đến cộng đồng đang ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ sự ấm áp của cuộc hành trình họ đã, đang và sẽ tiếp tục...
Các khách mời tham gia bàn tròn, từ phải qua: bạn Xuân Hoà, lương y Võ Văn Tuấn,
thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, chị Tim, cô Trish, và Trung Hải (bìa trái) - Ảnh:
T.T.D.
Bất ngờ đầu tiên của chương trình là khi chị Hoàng Yến đưa ra một đề nghị: Khán giả có thể giúp Nhóm Khuyết tật và phát triển (những người bạn thực hiện chương trình cùng với chị) bước lên sân khấu.
Bất ngờ - bởi có phải đó là lời đề nghị đó xuất phát từ cô gái và nhóm bạn nhiều nghị lực...
Thảo, một bạn gái của nhóm, chia sẻ: "Trong quá trình hòa nhập cộng đồng, nhất là khi di chuyển, nhiều người khuyết tật (NKT) gặp được những sự giúp đỡ, nhưng do không có kỹ năng nên họ lại gây mất thăng bằng cho NKT và làm NKT... té luôn!". Tiếp lời, Bé Tư tâm sự: "Hồi đi học, việc lên cầu thang rất khó khăn cho tôi. Tôi đã phải nhờ bạn bè dù rất muốn tự lực đi lên cầu thang. Bạn đã giúp tôi xách cặp, cầm giúp cây nạng để tôi có thể nhích từng bước lên lớp. Trong tương lai, tôi cũng muốn tiếp tục đi học, nhưng nhìn những cầu thang, đó cũng là một cản trở không nhỏ"...
Thạc sĩ Hoàng Yến (đứng) cùng nhóm thực hiện chương trình
Khuyết tật và phát triển - Ảnh: T.T.D.
Thông điệp đầu tiên của chương trình được vỡ ra: Khi giúp người khuyết tật, bạn cần phải biết cách! "Khi nhìn vào NKT, hãy nhìn vào con người trước đã, rồi hãy nhìn vào cái "tật" của họ" - Hoàng Yến chia sẻ về "triết lý" của chương trình Khuyết tật và phát triển.
Những con số mà Hoàng Yến đem đến chương trình chứng minh những khó khăn của NKT trong hội nhập cuộc sống và phát triển năng lực cá nhân. Họ có thể học tập và làm việc bình thường với những ngành nghề phù hợp nhưng đến 69% NKT phải sống dựa vào gia đình, 31% có việc làm nhưng lại không ổn định. Cũng theo chị Yến, định kiến xã hội thường nhìn NKT theo hai cách: rất khoan dung hoặc thiếu thiện cảm. Chính những điều này, càng làm cho NKT thiếu đi kỹ năng phát triển, mặc cảm tự ti...
Một "quy luật" cần hiểu: sự khiếm khuyết sẽ dẫn đến khuyết tật, khuyết tật sẽ dẫn đến tàn tật nếu gặp phải một môi trường rào cản.
Do vậy, NKT phải tự mình nhận ra cốt lõi vấn đề ấy và cũng như xã hội phải nâng cao những chính sách cho thích hợp để NKT phát triển... Để làm tốt điều đó, cần phải có sự tham gia của chính NKT. Chương trình khuyết tật và phát triển đã ra đời với hai mục đích: nâng cao nhận thức và kỹ năng phát triển. Bản tin, thư viện điện tử, các buổi nói chuyện chuyên đề về NKT có thể cùng chia sẻ, tìm hiểu thông tin. Những người thực hiện chương trình còn thực hiện các công trình nghiên cứu; xây dựng các tài liệu kỹ năng sống...
Hoàng Yến còn nhấn đến một yếu tố khác: khả năng tiếp thị xã hội của chương trình - điều mà các chương trình dành cho NKT cũng cần không kém các chương trình thương mại.
Lưu Thị Ánh Loan, trợ lý của chị Hoàng Yến, đang làm công tác tham vấn đồng cảnh ở BV Chợ Rẫy và phụ trách nhóm phụ nữ khuyết tật tiếp tục chia sẻ: "Công tác tại bệnh viện Chợ Rẫy nhưng Loan đã đi lang thang nhiều bệnh viện để tham vấn cho những người đồng cảnh ngộ. Cái khó khăn nhất trong công việc là không chỉ phải tham vấn về tinh thần. Loan còn chạy đôn chạy đáo để tìm nguồn tài trợ cho những cảnh ngộ không thể trả tiền nằm viện. Sự đồng cảm trong công việc phối giữa bác sĩ, bệnh nhân, và người tham vấn cũng là một thách thức".
Câu chuyện về hai bạn trẻ không may bị tai nạn chấn thương cột sống, cuộc đời với bao nhiêu ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ bị dập tắt. Bằng sự nhạy cảm của mình, Loan đã thuyết phục được suy nghĩ tự ti của anh bạn trẻ từ việc đưa ra gợi ý cho gia đình mở quán cafê để bạn trẻ ấy có một công việc tự kiếm sống, vẫn có thấy mình có ích. Câu chuyện này đã kết thúc có hậu bằng một đám cưới của 2 bạn trẻ khuyết tật ấy vào cuối năm nay. Theo Loan, để công việc tham vấn thành công thì phải có mối liên hệ ngay cả khi bệnh nhân rời bệnh viện. Chính nhờ sự quan tâm hết mình ấy, Loan mới chinh phục được các bệnh nhân của mình, đem lại cho họ niềm tin cuộc sống.
Những câu hỏi được gửi đến buổi giao lưu. Anh Nguyễn Bá Cử, nhân viên của Chương trình Khuyết tật và phát triển làm không khí sôi động hẳn khi trả lời một câu hỏi "cắc cớ": NKT có nên lập gia đình hay không? Trong tình yêu của NKT, thường tồn tại những suy nghĩ: NKT chỉ nên lập gia đình với NKT để dễ dàng thông cảm hoặc NKT nên lập gia đình với người bình thường để có thể dễ dàng chăm sóc cho nhau. Anh khẳng định thẳng thắn: Lập gia đình hay không thì tuỳ thuộc vào tình yêu, nếu có tình yêu thì hoàn toàn nên lập gia đình. Chị Hoàng Yến trả lời bằng một câu hỏi ngược: NKT có phải là một con người hay không? Và dĩ nhiên đồng loạt nhận được câu trả lời Có! Vâng, đã là con người thì NKT rất cần tình yêu thương và tại sao lại không lập gia đình...
Tạm chia tay với buổi giao lưu, Hoàng Yến cầm đàn ghita cất cao tiếng hát bài Khát vọng (nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn - NV), mọi người trong khán phòng lặng đi vì xúc động. Nhiều người hát theo, câu hát trong nghẹn ngào, thêm một thông điệp dành cho những những người có niềm tin yêu vào cuộc sống, sống một cuộc sống thật ý nghĩa. "Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc, Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư"...
Buổi giao lưu tiếp tục trong một không khí xúc động khi 200 bạn đọc gặp gỡ chị Võ Thị Bạch Huệ, người của các chuyến xe đồng hành, phòng chống HIV/AIDS, cũng như nhận chăm sóc cho các bệnh nhân AIDS thời kỳ cuối. Gương mặt chị có vẻ mộc mạc, nhưng lại mang cả một quá khứ tủi buồn, nhọc nhằn của thời "ăn chơi" rồi học tập tại các trung tâm phục hồi nhân phẩm, nhà giam. Những tháng ngày ấy đã làm chị "ngộ" ra: mình làm nhiều chuyện thất đức rồi cuối cùng vẫn là trống rỗng. Mình chợt nhớ tới con mình...
Rồi đôi bàn tay chị tưởng chừng đã cỗi cằn với những thăng trầm, gian khó của cuộc sống không ngờ lại thật mềm dịu và ấm áp với các bệnh nhân AIDS.
Chị chân thật kể lại những lần tiếp xúc với các mảnh đời "bụi cát" bằng tấm lòng của mình: "Họ muốn nghĩ tôi bệnh hay không "kệ" họ, chỉ cần điều tôi làm cho họ là đúng". Theo chị, không vì lợi (tất nhiên), không vì danh, chỉ có mục đích: bệnh nhân HIV đồng cảm với mình, thương họ bằng tất cả tâm huyết mới đến được với bệnh nhân. Khi nào bệnh nhân khỏe mạnh, tái hòa nhập là vui, nhưng nhiều lần lòng chị quặn thắt khi gặp lại những bệnh nhân đi theo đường cũ. Những ray rứt đó thôi thúc chị phải làm nhiều, hy sinh nhiều hơn nữa.
Những kỷ niệm về một thời "oanh liệt" về một thời giang hồ của mình chính là những kinh niệm thực tế sống động nhất đã được chị chia sẻ rất thật với mọi người. "Chị Tư vui vẻ" - cái tên gần gũi mà mọi người vẫn hay gọi chị, đã kể về những ngày tháng "xông pha ngang tàng" trên các vũ trường. Đó chính là "vốn liếng" để chị biến nó hành trang len lỏi vào cộng đồng HIV, giúp đỡ những mảnh đời lầm đường, lạc lối mà không phải ai cũng có may mắn để trở kịp về.
Chị đã trực tiếp đi tìm kiếm, chăm sóc các bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, không ngại những vết thương lở loét, tuyên truyền phát bao cao su, tờ rơi. Có bạn trẻ HIV đã chết vài giờ sau khi uống ly sữa chị đưa cho. "Dẫu sao cũng giúp được họ ấm lòng, thanh thản hơn...".
Trước câu hỏi "Khi chị cho đi chị sẽ biết mình không thể nhận lại?" chị trả lời chân thành: Nếu mình cảm thấy mong muốn được đền ơn từ người mình giúp thì đừng nên đến với người ta. Cái ý nghĩa nhất chính là sự lan truyền tình thương yêu, nhân rộng giúp đỡ giữa mọi người trong cộng đồng.
Thêm một "điểm nhấn" của chương trình khi khán giả cùng lúc gặp gỡ các nhân vật của bàn tròn: thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh; lương y Võ Văn Tuấn (tên thật của ông Năm Tuấn); cô Trish Summerfield, giám đốc LVEP tại VN, một chương trình giáo dục các giá trị sống; chị Tim Aline Rebeaud: chủ dự án Ngôi nhà may mắn cho các người kém may mắn, khuyết tật; đại diện nhóm Những ước mơ xanh và bạn Dư Thị Xuân Hoà, một trong những bạn trẻ VN đến tham dự trại thanh niên quốc tế ở Philippines.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh chia sẻ trong dí dỏm: Đến giờ tôi vẫn sống một mình mà có thấy buồn đâu... Gần suốt cuộc đời chọn mục đích sống vì cộng đồng, phần thưởng với tôi là hạnh phúc từ niềm vui của những người mình được giúp đỡ.
Sống vì cộng đồng, hẳn không là chuyện không của riêng ai khi đó là năm năm miệt mài của chú Năm Tuấn, với 5 năm trời viết 10 dự án giúp đỡ cộng đồng. Tuy không phải lúc nào cũng tìm kiếm được tài trợ, nhưng những dự án mà người lương y ấy viết đã góp phần không nhỏ cho xã hội - nhất là với những bạn nhỏ, như: dạy bơi cho trẻ em trong xã và lập đội cứu hộ trên sông Tiền, mổ tim cho bệnh nhi khó khăn...
Khi được hỏi về những điều cần quan tâm hàng đầu khi làm công tác xã hội tại VN, cô Trish Summerfield tâm sự: chúng tôi hướng dẫn các giáo dục viên đặt họ vào vị trí của những người không may mắn.
Chúng tôi luôn tìm cách bắc những chiếc cầu rút ngắn khoảng cách giữa người tư vấn và bệnh nhân, hướng đến cảm xúc của bệnh nhân, giúp họ nói lên cảm giác của mình, và chúng tôi được sự ủng hộ nhiệt tình của những giáo dục viên mà chúng tôi cùng làm việc.
Rồi từ câu chuyện rất riêng tư của mình: người yêu đã có thể rời bỏ cô chỉ vì ngoại hình, Summerfield đã có một cách nhìn lớn hơn về tình yêu. Đó là một tình yêu vượt qua những giới hạn về màu da, chủng tộc, về giai cấp để đến với nhau bằng chính từ sự chân thành, bằng con tim. Cô đã đến với cộng đồng, đến với Châu Á, và gần hơn là đến với Việt Nam. Ở đó, cô đã được cởi lòng, và học nhiều điều...
Buổi giao lưu khá xúc động khi nghe những câu chuyện mà Tim, cô gái Thuỵ Sĩ phát âm tiếng Việt khá chuẩn, kể về câu chuyện gặp gỡ cậu bé tình cờ trên vỉa hè, đói lả, không thể đứng lên được. Tối hôm đó, những trăn trở về cuộc sống, về những mảnh đời cơ nhỡ đã làm Tim đã mất ngủ và ý nghĩ phải làm một điều gì cho cộng đồng đã giục Tim bắt tay xây dựng một tổ ấm, "Ngôi nhà may mắn" đã ra đời từ đó.
Ở VN nhiều năm, công việc giúp các em khuyết tật, cơ nhở, thiếu trí... thật không đơn giản. Vừa học tiếng Việt, Tim vừa xoay sở thưc hiện các dự án của mình. "Ngôi nhà" lớn dần lên. Giờ đây ngôi nhà may mắn ấy đã trở thành nơi học vi tính, học may, học nghề... Các "con của Tim" cũng đông dần lên, nhưng tình thường của người "mẹ" này chưa bao giờ vơi bớt.
Tim gọi các con mình là "chúng nó" một cách trìu mến, Tim chỉ cho chúng thấy cuộc sống vẫn ý nghĩa, tàn nhưng không phế, chúng - các con của Tim đều phải có văn hóa, dù bị bỏ rơi. Chúng phải biết xoay sở cuộc sống, chứ không phải phụ thuộc vào người khác, dù tất cả những điều mà các bạn thiểu trí ấy làm được chưa thể giúp họ kiếm tiền nhưng đó là niềm vui hàng ngày của họ. Tim cũng không giấu trăn trở của mình - đó là tìm ra một hướng mới trong đào tạo chuyên môn, để giúp họ có thể tự kiếm sống.
BÍCH DẬU - NHƯ BÌNH
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online