Phỏng vấn của RADIO Bình Dương
vi Thứ sáu, 22 tháng 05 2009 17:00
Xin chào Thạc sĩ Hoàng Yến ! Chương trình Câu lạc Bộ Trẻ - chuyên đề Trò
chuyện với người Thành đạt của Đài PT Bình Dương rất vui cám ơn chị đã dành thời
gian tham gia trao đổi với chương trình . Chị có thể cho biết hiện nay công việc
và sức khỏe của chị thế nào không ?
Rất vui lòng chia sẻ, Thiên Thương ạ, và cảm ơn các bạn nghe đài đã
quan tâm. Công việc thì bận tưng bừng và sức khỏe thì “đáng lẻ ra” phải giành
thời gian để nghỉ ngơi theo lời khuyên của BS!
Một ngày làm việc của chị Yến bắt đầu thế nào, thưa chị?
Mình làm việc 7 ngày/tuần, và hàng ngày bắt đầu từ 6g sáng đến khoảng
10 tối. Sáng sớm, với 1 ly café mình bắt đầu mở máy tính để xem và trả lời những
email quan trọng và cần trả lời gấp, lướt qua các trang báo điện tử, và cả trang
web của DRD để góp ý cho các bạn phụ trách web của DRD, hoặc tham gia góp ý trên
diễn đàn DRD.
Sau đó mình sẽ đi đến lớp nếu hôm đó có tiết giảng, hoặc đến văn
phòng DRD. Ở văn phòng, mình sẽ trả lời những email còn lại, điện thoại, thư từ,
… và tiếp khách (thường là NKT hoặc những người đến từ các tổ chức hay cơ quan
đang quan tâm đến NKT và hoặc đang thực hiện chương trình vì NKT). Hoặc trao đổi
thêm các nhân viên DRD về các vấn đề hay khó khăn mà họ đang gặp khi tổ chức các
hoạt động trong chương trình. Có khi cũng đi các tỉnh để giúp tập huấn cho các
tổ chức của NKT ở địa phương.
Ngoài ra, mình còn phải giành thời gian để hướng dẫn khóa luận tốt
nghiệp cho các sinh viên của ĐH Mở.
Như chị cũng biết thì quá trình học tập của người khuyết tật luôn gặp phải
nhiều khó khăn . Vậy chị có thể chia sẻ với chương trình về những khó khăn mà
chị đã gặp phải khi trao dồi kiến thức ?
Mình là người vẫn còn may mắn hơn nhiều so với những bạn KT khác, nên
nếu chỉ dựa vào khó khăn mà mình gặp phải thì các bạn sẽ không hình dung được
những rào cản mà các học sinh hay sinh viên KT phải vượt qua. Cho nên, để hiểu
hơn về điều này mình đề nghị thế này nhé: các bạn hãy nhắm mắt lại và hình dung
xem trong môi trường học tập hiện tại của chúng ta một sinh viên khuyết tật vận
động nặng – phải dùng đôi nạng hoặc ngồi xe lăn chẳng hạn – sẽ gặp phải điều gì?
Làm sao để họ có thể lên được những bậc thang lầu mà đến lớp? Làm sao để họ sử
dụng được thư viện, toillette?
Còn đối với sinh viên khiếm thị thì làm sao để họ đọc được tài liệu?
Làm sao để họ học được các môn như toán không gian, hay giải tích, lượng
giác?
Các sinh viên/học sinh khiếm thính còn gặp khó khăn nhiều hơn vì
không có cách giao tiếp nào khác ngoài ngôn ngữ ký hiệu (thủ ngữ). Đó là lý do
tại sao hầu như rất ít – cả VN ta chắc chưa có đến 10 em khiếm thính học đại học
hoặc cao đẳng.
Và đó chỉ là một số ít những rào cản mà mình đưa ra. Bây giờ thì các
bạn đã phần nào hiểu được những khó khăn mà sinh viên KT đối mặt hàng ngày chưa?
Cảm ơn các bạn!
Còn về quá trình tìm việc thì thế nào thưa chị ? Thiên Thương cũng được
biết đây là một “ cuộc hành trình lớn ” đối với chị ?
Đây cũng là “hành trình lớn” của đại đa số NKT. Thường thì ban đầu
người ta ít chú ý đến NKT mà chỉ nhìn đến sự khiếm khuyết của họ, và vì vậy mà
họ từ chối NKT ngay từ ban đầu mà không thèm nhìn đến hồ sơ hoặc hẹn phỏng vấn
để kiểm tra khả năng. Mình có thể kể các bạn nghe câu chuyện của mình để các bạn
hình dung được một phần nhỏ trong bức tranh lớn đó…..Lúc đó … (kể lại câu chuyện
đi xin việc…)
Và các bạn thấy đó, mình là người có bằng ĐH, có khả năng và tự tin
mà còn bị đối xử như thế thì các bạn có thể hình dung được đai đa số NKT ít học
và ít có cơ hội phát triển kỹ năng sẽ còn bị phân biệt đối xử đến mức độ
nào!
Với những nỗ lực học tập không ngừng nghỉ cùng năng lực của mình thì năm
2001 chị đoạt được học bổng toàn phần của Quĩ Ford - của Hoa Kỳ . Và chị đã theo
học ngành phát triển con người tại ĐH Kansas .... Vậy chị có thể nói gì về quãng
thời gian này ?
Đây là quãng thời gian đã giúp mình lớn lên rất nhiều. Thường thì đi
xa người ta mới thấy mình yêu thương và gắn bó với quê hương và gia đình đến mức
nào! Và ở ĐH Kansas mình mới thực sự học. Cách học bên đó bắt buộc sinh viên
phải tự làm việc rất nhiều, và mình thật sự thích thú khi học các môn học, đặc
biệt là môn phê bình nghiên cứu. Sinh viên đem mổ xẻ những nghiên cứu trước đó
của những giáo sư trong khoa và của cả giáo sư đang giảng môn đó - những nghiên
cứu đã đựơc đăng tải trên các tạp chí khoa học. Đây là cách để sinh viên phát
triển, vì thấy được những thiếu sót của người khác thì sẽ cẩn trọng hơn trong
nghiên cứu của mình, và khoa học là tiến bộ và phát triển: những nghiên cứu sau
bao giờ cũng là sự bổ sung cho những nghiên cứu trước. Bên đó sinh viên còn được
lựa chọn giảng viên cho môn học mình muốn học, và các giảng viên xem số lượng
sinh viên đăng ký học với mình như là một trong những chỉ tiêu đánh giá chất
lưọng giảng dạy của mình.
Đồng thời, nhìn thấy những tiện nghi mà sinh viên hoặc NKT bên đó
được hưởng mình càng thấy thương cho sinh viên và NKT ở nước mình. Nhờ vậy mà
càng cố gắng thu nhặt kiến thức.
Năm 2004 , với đề tài nghiên cứu khoa học: “Giúp phát triển kỹ năng cho NKT
” chị được hội đồng khoa học tại ĐH Kansas đánh giá cao . Sau đó , cũng với đề
tài này , chị đã được mời báo cáo tại trụ sở chính của WB ở Washington DC . Đây
là một vinh dự rất lớn dành cho một người Việt và càng đáng trân trọng hơn khi
đó là một người khuyết tật . Vậy khi nhớ lại sự kiện này , thì chị nghĩ gì
?
Mình luôn nhớ nụ cười rạng rỡ của giáo sư hướng dẫn vào buổi sáng
hôm làm lễ tốt nghiệp cho khoảng 3,000 sinh viên của
trường. Ông reo lên rằng “Hiệu trưởng ĐH Kansas đã nêu tên con
trong bài diễn văn của ông. Đó là một vinh dự lớn đối với 1 sinh viên.” Sáng hôm
đó hình của mình cũng xuất hiện thật to trên trang nhất của tờ báo thành phố.
Mình nhớ cả những cái xiết tay của các GS, kể cả những GS mà mình chưa hề biết,
khi họ tràn ra 2 bên đường đi để chúc mừng mình.
Đề tài của mình là giúp các sinh viên KT ở các trường ĐH phát triển
kỹ năng vận động và biện hộ (advocacy skill). Và bà Judith Heurman đã bảo với GS
của mình rằng: “Thật là thú vị vì người Mỹ vẫn thường tự hào là họ đi khắp thế
giới để dạy mọi người về advocacy, vậy mà Yến đến từ một nước nhỏ xíu như VN lại
dạy trở lại cho sinh viên Mỹ kỹ năng này!”
Khi nói về cuộc đời mình , chị có thể dùng những từ nào để miêu tả ?
Đầy thách thức, đôi khi mệt mõi, nhưng thú vị!
Trong cuộc đời của mỗi người thì ai cũng có những cột mốc để đánh dấu quá
trình phát triển của mình. Vậy ở chị thì sao? Chị có thể chia sẻ về những cột
mốc đáng ghi nhớ của mình ?
Cột mốc đầu tiên là khi mình bước chân vào trường cấp 2. Trước đó học
ở trường làng nhỏ bé ai cũng biết mình nên mình học hành và chơi đùa vô tư với
chúng bạn, không thấy mình khác biệt. Đến cấp 2 phải ra trường chợ bị trẻ con
nơi đó chọc ghẹo, nháy cách đi,… mình mới cảm nhận được rằng mình khác biệt và
bị phân biệt đối xử. Nhờ vậy mà càng cố gắng học hành.
Cột mốc thứ 2 là khi vào trường ĐH. Mình là sinh viên khuyết tật
nhưng phải học các môn thể dục, quân sự. Thấy cô thương tình nên vẫn cho điểm 5
để qua, nhưng mình vẫn thấy có điều còn bất cập, vì điểm số như thế cũng ảnh
hưỏng rất nhiều đến điểm trung bình.
Cột mốc thứ 3 cũng là cột mốc làm cho mình bị shock nhiều nhất. Đó là
câu chuỵên xin việc mà mình đã kể cho các bạn nghe. Cú shock đó làm mình nhìn rõ
thêm sự bất bình đẳng cơ hội mà XH gianh cho NKT, và làm mình thêm quyết tâm làm
điều gì đó cho bản thân mình và cho những NKT khác.
Cột mốc thứ 4 đã tạo điều kiện cho mình thực hiện được những ứơc mơ:
đó là học bổng toàn phần đi du học ở Mỹ.
Àh chị Yến này, Thiên Thương được biết trong suốt quá trình học tập và công
tác của mình tại Mỹ , chị đã được nhiều trường ĐH và công ty mời cộng tác và làm
việc lâu dài , thế nhưng chị đã từ chối . Vậy , tại sao chị lại khước từ những
cơ hội như vậy ? và có thể những cơ hội ấy sẽ mang đến cho chị cuộc sống đầy đủ
hơn hiện nay ?
Thực ra không phải rất nhiều trường ĐH hay công ty mời đâu. Mình nhận
được học bổng để học tiếp TS, và lời mời của một tổ chức phát triển Châu Mỹ
Latin, cũng như 2 lời mời khác từ 2 tổ chức NGO quốc tế đang hoạt động ở Hanoi.
Mình đã trả lời người phụ trách tổ chức phát triển Châu Mỹ Latin rằng
“Trái tim tôi ở VN!”. Thật ra mình vẫn quan niệm rằng cuộc sống chỉ đầy đủ khi
trái tim mình “đầy đủ” thôi, và trái tim thì sẽ chẳng bao giờ đầy đủ khi thiếu
vắng quê hương, gia đình, và những bạn bè thân thiết. Và như mình đã chia sẻ lúc
nãy, càng nhìn thấy những điều kiện và tiện nghi mà những NKT hay sinh viên bên
ấy được hưởng mình càng thương quê hương và những người đang còn chịu nhiều
thiệt thòi trong XH. Vì vậy mà phải về thôi. Mình phải về thôi vì khi ra đi cũng
đã quyết là sẽ mang kiến thức về để làm việc với những người thiệt thòi trong
XH, đặc biệt là NKT. Có người cho rằng kiếm tiền rồi gửi về cũng là một cách đón
góp. Mình không phủ nhận điều đó, nhưng rất nhiều khi tiền không phải là cái mà
người ta thật cần. Cái người ta cần lại là sự cảm thông, chia sẻ, và đồng hành
để vựơt qua giai đoạn khó khăn và lớn lên thêm. Mình không có tiền nhưng có thể
chia sẻ, đồng hành, và giúp người khác lớn lên.
Theo cá nhân chị thì khi học tập cũng như làm việc ở nước ngoài những khó
khăn và trở ngại của chị nói riêng và của người Việt Nam chúng ta nói chung là
gì ?
Khó khăn trước tiên là ngôn ngữ. Nếu không có được một số vốn ngôn
ngữ nhất định thì không thể nào theo kịp một chương trình học đòi hỏi sinh viên
phải tự làm việc, nghĩa là phải đọc và viết rất nhiều.
Cái khó thứ 2 là phải thuyết trình, hoặc phân tích và phê bình những
nghiên cứu, ngay cả nghiên cứu của thầy đang dạy mình. SVVN thường thì không
quen với việc phê bình, nhất là phê bình công trình của thầy cô.
Cái khó thứ 3 là ở một môi trường hoàn toàn mới, mình phải học mọi
thứ từ sử dụng máy móc thiết bị, đến đi làm các thủ tục giấy tờ, mà những người
chung quanh lại rất bận rộn nên mình sẽ rất ngại nhờ vã.
Mình có một cái may là đã khá ngoại ngữ, và có khả năng tự học rất
tốt nên nhờ vậy mà ít bở ngở với cách học mới.
Chị Yến àh , vừa rồi là những lời nhận xét của những người xung quanh về
chị . Chị cảm nhận và suy nghĩ thế nào về những ý kiến này ?
Khi nói về công việc hiện nay – Giám đốc Chương trình Khuyết tật và phát
triển DRD thuộc trường ĐH Mở TP.HCM thì chị dùng những từ nào để miêu tả ? Chị
có cảm thấy hài lòng với công việc này không ?
Đầy thách thức! Vì NKT vẫn được xem là nhóm thiệt thòi nhất trong số
những nhóm thiệt thòi, họ thiếu hầu như tất cả những cơ hội để phát triển. Vả
lại từ trước đến giờ họ vẫn được xem như đối tượng của sự thương hại và các hoạt
động từ thiện hơn là đối tượng của các chương trình phát triển XH. Vì vậy, khi
giúp NKT phát triển DRD hầu như phải đối mặt với đủ thứ khó khăn, cả hữu hình
lẫn vô hình.
Còn về hài lòng với công việc thì ở một mức độ nào đó thôi, dù rằng
DRD đã được cộng đồng biết đến. Vì vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Nhưng
điều mình hài lòng nhất vẫn là các bạn đồng nghiệp: họ đầy nhiệt tâm và hết lòng
vì NKT.
Ngoài vai trò là giám đốc của chương trình DRD , chị còn tham gia làm việc
tại đâu nữa không ?
Như đã chia sẻ, mình còn là giảng viên CH của ĐHM, Khoa XHH. Là giảng
viên thì phải giảng dạy, chủ nhiệm lớp, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp, v.v.. và
v.v…
Với vai trò là giám đốc của Chương Trình Khuyết Tật Và Phát Triển DRD thuộc
trường ĐH Mở TP.HCM, chị có thể cho biết về ý nghĩa của sự ra đời thư viện điện
tử dành cho người khuyết tật - một website do chương trình DRD xây dựng ?
Đây không phải là thư viện điện tử giành cho NKT mà là thư viên điện
tử chuyên về lĩnh vực khuyết tật và NKT các dạng có thể tiếp cận được. Với thư
viện này, bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực khuyết tật, thí dụ như chính NKT,
người thân của NKT, sinh viên các ngành khoa học xã hội, các nhà nghiên cứu, các
tổ chức xã hội, v.v.. đều có thể truy cập và tìm kiếm thông tin mình đang cần.
Từ nhiều năm nay mình đã mong muốn có được một thư viện điện tử như
thế. Đầu tiên là từ chính nhu cầu của bản thân mình cách đây vài năm, khi đi tìm
những thông tin liên quan đến các chính sách hay chương trình xã hội dành cho
NKT ở Việt Nam nhưng không thể nào tìm được. Sau đó, khi đang học ở Mỹ, mình
thấy họ có rất nhiều trang web về các vấn đề khuyết tật. Những trang web này
luôn cân nhắc đến người sử dụng là NKT, và được sắp xếp theo cách dễ dàng nhất
cho NKT tiếp cận. Chỉ cần ngồi bên máy tính được nối mạng là người cần tìm thông
tin gần như có thể tìm được tất cả gì họ muốn tìm. Sau đó, khi về Việt Nam, lại
nghe một số em sinh viên xã hội học và công tác xã hội than phiền rằng các em
không thể nào thể nào tìm được thông tin khi muốn thực hiện các nghiên cứu hay
đề tài về NKT.
Thử hình dung người khiếm thị hoàn toàn, người nhìn kém, người loạn
sắc, người có óc nhìn hẹp, v.v… đều có thể tìm thong tin trên trang web. Chúng
tôi cũng sẽ cố gắng đưa những thông tin quan trong bằng ngôn ngữ ký hiệu cho
những nghười khiếm thính và hoàn toàn không biết chữ.
Chị Yến này , chị có thể cho biết về những khó khăn và thuận lợi hiện nay
của chương trình DRD ?
· Sự gắn bó của các nhân viên trong chương trình, cũng như những kinh
nghiệm mà họ có được.
· Chúng tôi cũng được sự ủng hộ và hỗ trợ của Ban giám hiệu ĐHM và
Ban chủ nhiệm khoa.
· Được sự tài trợ hoàn toàn của Quỹ Ford cho các họat động đã dự
định
· DRD còn được các tổ chức XH trong và ngoài nước biết đến.
· Sự ủng hộ của các phóng viên báo đài
· Nhiều bạn trẻ đến ngỏ lời làm tình nguyện viên cho các hoạt
động
Khó khăn thì cũng rất nhiều:
· Công việc nhiều quá so với đội ngủ nhân viên ở DRD
· DRD nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức, mà nhận thức thì khó
thay đổi nên cần kiên trì và lâu bền
· Rất nhiều NKTmuốn đến DRD tham gia sinh hoạt nhưng gặp khó khăn về
đi lại
· DRD cũng nhận đựơc nhiều yêu cầu hỗ trợ tài chính – điều đó cũng
vượt quá khả năng của chúng tôi
Với thời gian nghiên cứu – giảng dạy như đã nói ở trên thì chúng ta có thể
thấy chị là người rất bận rộn, vậy chị đã dành thời gian giải trí cũng như rèn
luyện – chăm sóc sức khoẻ cho mình như thế nào ?
Aha, thú thật với các bạn đây là khoản mình tệ nhất. Mình hầu như
chẳng có thời gian rảnh. Giải trí thường là tranh thủ vừa nghe nhạc vừa làm
việc. Và vẫn còn bị chị mình mắng hoài vì tội không sắp xếp được thời gia để tập
thể dục.
Với những gì đã đạt được , chị Yến có cảm thấy hài lòng không ? và chị nghĩ
gì khi mà chị được người khác nhận xét – chị là người thành đạt ?
Như đã nói là mình chỉ hài lòng ở một mức độ nào đó thôi vì vẫn còn
rất nhiều việc cần làm. Nhìn đâu cũng thấy việc phải làm mà mỗi ngày mình chỉ có
24 tiếng đồng hồ.
Còn thành đạt thì mình cũng chẳng biết nữa. Vì mỗi người có một quan
niệm và tiêu chuẩn thành đạt khác nhau. Khi nào mình mình thực hiện đựoc ít nhất
70% những điều mình muốn làm thì mình sẽ chấp nhận là “thành đạt”, nhưng hiện
giờ thì mình chỉ mới đươc 30% thôi!
Vâng , còn rất nhiều câu hỏi mà chương trình muốn được cùng chị chia sẻ,
nhưng vì thời gian không cho phép . Vậy cuối chương trình , chị có điều gì chia
sẻ - nhắn gởi đến các bạn trẻ?
Mình muốn nhắn gửi với các bạn trẻ rằng: Sống thì phải biết ước
mơ. Nhưngđừng ôm ấp giấc mơ một mình mà phải biết hòa ước mơ của mình vào ước mơ
của người khác, và phải biết cùng người khác biến ước mơ thành hành động. Lúc đó
ước mơ mới có thể thành hiện thực.
Xin chân thành cám ơn Chị Võ Thị Hoàng Yến - Giám Đốc chương trình Khuyết
Tật Và Phát Triển DRD thuộc trường ĐH Mở TP.HCM đã dành thời gian trò chuyện với
chương trình . Thiên Thương thay mặt những người thực hiện chương trình , chúc
chị luôn dồi dào sức khỏe và công việc sẽ gặt hái được nhiều thuận lợi và thành
công hơn nữa ...
Thiên Thương thực hiện
Nguồn: Radio Bình Dương
Từ khóa: Bài viết về DRD, DRD, Gương điển hình, Hoàng Yến, Người khuyết tật, Phát triển cộng đồng, Phụ nữ khuyết tật