Không may mắn có đôi chân toàn vẹn, nhưng nghị lực và niềm tin đã giúp chị đứng vững giữa đời. Chị là thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Chương trình Khuyết tật và Phát triển, giảng viên trường Đại học Mở TP.HCM.
Nếu nhìn chị ôm đàn trên sân khấu, say sưa cất tiếng hát vang bài Khát Vọng (Phạm Minh Tuấn) trong đêm nhạc "Giới hạn là bầu trời", một chương trình xúc động do chị lên ý tưởng và kêu gọi tài trợ- không ai nghĩ Hoàng Yến lại có một tuổi thơ bất hạnh, tiếp nối những tháng ngày tuổi trẻ đầy hy vọng và thất vọng. Dù đã đọc nhiều bài báo viết về chị nhưng tôi vẫn muốn viết tiếp. Viết về một phụ nữ mà tôi yêu mến và cảm phục.
Biến bất tiện thành thuận tiện
Năm lên 3 tuổi, giấc mơ dữ của mẹ khi mang thai Hoàng Yến trở thành sự thật. Bị cơn sốt bại liệt quái ác cướp đi một chân, cô gái bé bỏng phải một lần nữa tập đi.
Nếu sự kỳ thị đã làm hấu hết người khuyết tật mặc cảm rồi buông xuôi, thì Hoàng Yến làm ngược lại. Sự trêu gọi và những câu nói thương hại của bạn bè chỉ tăng thêm quyết tâm nơi chị: phải học và học thật giỏi!
Tốt nghiệp cử nhân kế toán Đại học Kinh tế TP.HCM, chị chỉ mong có được một việc làm ổn định. Cầm hồ sơ xin việc của Hoàng Yến, nhà tuyển dụng không thể chê điều gì. Vậy mà ở “phút 89”, chị vẫn bị từ chối, chỉ vì đôi chân khuyết tật!
Học Anh văn để dạy kèm , dịch sách kiếm sống là giải pháp cho chị lúc ấy. Nhưng học chưa được bao lâu, triệu chứng hậu sốt bại liệt làm chân chị yếu hơn,dễ ngã, phải mổ.
Biến bất tiện thành thuận tiện. Chị tận dụng gần hai năm nằm nhà điều trị bệnh để tự học Anh văn. Chị đi thi bằng B, rồi C với chân vẫn còn bó bột. Tốt nghiệp lớp Cử nhân Anh văn , Đại học Sư phạm, Hoàng Yến không chỉ đi dạy để tự kiếm sống, mà còn dạy Anh văn miễn phí cho một số bạn khuyết tật. Cuộc sống sẽ mãi như thế nếu như chị không tình cờ nhận được học bổng IFP của quỹ Ford
Tôi mắc nơ cuộc đời
Cách đây 8 năm, cô gái khuyết tật Hoàng Yến là một trong 18 người Việt Nam nhận học bổng IFP của Quỹ Ford và là một trong ba người đủ điểm để học cao học ở Hoa Kỳ. Chị nhớ lại: “Tôi là người nhận hồ sơ cuối cùng và có đúng ba ngày hoàn tất hồ sơ, nhưng may mắn đã mỉm cười với tôi. Học bổng tôi chưa từng mơ ước này đã thay đổi cuộc đời tôi."
Chọn ngành Phát triển Con người- Human Development (nay là Khoa học Hành vi Ứng dụng - Applied Behavioral Science)) của Đai học Kansas, Hoa Kỳ, chị tin rằng kiến thức lĩnh hội được sẽ giúp chị tìm thấy điều giúp mình và giúp người khác phát triển. Đề tài khoa học “Giúp phát triển kỹ năng vận động và biện hộ cho sinh viên khuyết tật ở các trường đại học Mỹ” của chị được mời báo cáo tại trụ sở chính của Ngân hàng thế giới ở Washington D.C năm 2004.
Một suất học bổng học tiếp tiến sĩ mở ra cùng với lời mời làm việc một chương trình phát triển Châu Mỹ Latin- một cơ hội giúp chị trở thành chuyên gia quốc tế. Nhưng vì “trái tim tôi nằm ở Việt Nam và Việt Nam cần tôi”, chị trở về nước để hiện thực ước mơ về dự án DRD ( Chương trình Khuyết tật và Phát triển).
Quỹ Ford lại một lần nữa cùng với khoa Xã hội học Đại học Mở TP.HCM ủng hộ ý tưởng vì người khuyết tật (NKT) của cô gái đầy nghị lực này. DRD chính thức ra đời cuối năm 2005.
Chị Hoàng Yến giải thích cho những quyết định của mình bằng một lý do rất đơn giản: “Vì tôi mắc nơ cuộc đời này…”
Người bắc những nhịp cầu
Là giảng viên khoa Xã hội học (Đại học Mở) và điều hành ngôi nhà DRD của NKT, Hoàng Yến vừa là người đồng hành, là bạn, lại vừa là người thầy truyền đạt kiến thức, hướng dẫn NKT phát triển kỹ năng sống. “Tôi muốn DRD là một minh chứng cho thấy NKT không phải là người luôn nhận mà còn là người đóng góp cho xã hội, biết xây dựng cộng đồng”, chị tâm sự.
Năm 2000, chị Hoàng Yến được Truyền hình Thanh Niên chọn là một trong ba thanh niên của chương trình truyền hình bắt đầu thiên niên kỳ: Xông đất những người đi đốt lửa.
Để giảm bớt những lo lắng về cơm áo gạo tiền, chương trình “Người bạn đồng hành” của DRD tặng những suất học bổng toàn phần cho các em học sinh “đồng hành” cùng trẻ khuyết tật nặng không thể đến trường. DRD cũng đồng hành cùng sinh viên phát triển các kỹ năng xã hội, chuẩn bị hành trang khi ra trường.
Các dự án phát triển Anh văn chuyên ngành, xây dựng thư viện điện tử ra đời, không chỉ dành cho NKT Việt Nam nâng cao kiến thức mà cả người nước ngoài cũng có thể vào đây tìm tài liệu tham khảo.
Nói về công việc của mình , chị rất khiêm tốn: “Tôi chỉ là người bắc nhịp cầu đưa các em đến với nhau, đến với cộng đồng, đến với các nhà tuyển dụng với hy vọng các em sẽ tiếp tục là những nhịp cầu kết nối những NKT khác”. Chính ý nghĩ ấy cùng niềm tin vào những gì đang làm là động lực vực chị dậy những lúc kiệt cùng vì thể trạng yếu ớt của mình.
Và những tài “lẻ”
Hoàng Yến rất mê… chụp ảnh. Cuối năm 2000, chị cùng 12 người bạn khuyết tật đi khắp nơi chụp ảnh và tổ chức triển lãm ảnh “Cuộc sống hàng ngày của người khuyết tật” tại Cung văn hóa Lao động.
Mê đàn guitar từ nhỏ, trước khi đi du học thỉnh thoảng chị cùng nhóm nhạc những NKT tổ chức văn nghệ phục vụ các thương binh nặng ở bệnh viện hoặc ở những khu an dưỡng. Cón bây giờ những khi rảnh rỗi, chị lại ôm đàn say sưa hát cùng bạn bè.
Đông Sa
Nguồn: Phụ nữ ngày nay