Search

Vie

Eng

Phạm Như Ý | CÂU CHUYỆN THAY ĐỔI - NHẬT KÝ CỎ LÔNG CHÔNG

Thứ hai, 05 tháng 08 2013 13:32

Chia sẻ:

Hình Phạm Như Ý 3

Hình: Phạm Như Ý và những người bạn

 

Tôi tên Phạm Như Ý (1987) sinh ra ở một gia đình nghèo tại thôn Long Thủy, xã An Phú, Tuy Hòa, Phú Yên. Đời sống gia đình vô cùng khó khăn bởi 6 con người (ba mẹ và 5 con) chỉ dựa vào nghề đi biển, làm thuê là chủ yếu. Ba làm nghề xay bột, bị bệnh nặng và đã qua đời do bởi gia đình không đủ điều kiện chữa trị. Khi đó tôi mới lên 6 tuổi, và sự kém may mắn không chỉ dừng lại ở đó.

 Mẹ tôi năm nay đã hơn 60 tuổi, không có công việc ổn định để làm, điều đó cũng không lạ gì bởi ở quê tôi, phụ nữ hầu như không có cơ hội việc làm. Trước đây, mẹ tôi đi gánh dầu chạy máy thuê cho các ghe thuyền, thi thoảng hái khế ngọt bán kiếm thêm thu nhập nuôi các con. Quần quật vất vả là thế, nhưng mẹ tôi không thể nào lo xuể cho 5 đứa con đang ở tuổi ăn tuổi học. Năm 16 tuổi, anh trai cả đã bỏ học để đi biển, một năm sau thì anh ba cũng nối gót theo. Cứ thế năm sau đó là anh tư. Dần dà, các anh trai của tôi đều phải bỏ học để đi biển kiếm tiền phụ giúp mẹ già.Giờ đây, mấy anh đều đã lập gia đình riêng nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, ai cũng phải quanh năm biền biệt ngoài biển.

Riêng phần tôi, năm lên 3 tuổi, tôi bị một cơn sốt ác tính nhưng gia đình lúc đó quá túng quẫn, không thể đưa tôi đi chữa trị kịp thời. Căn bệnh quái ác đó đã cướp đi đôi chân lành lặn của tôi, cơn sốt đã khiến các cơ chân tôi teo dần, dẫn đến bại liệt cả hai chân, từ đó tôi không thể đi đứng như bao đứa trẻ khác và việc đi lại với tôi vô cùng bất tiện. Cứ đi học về, chân đứng không vững nhưng tôi vẫn phải cố gắng đứng xay bột kiếm tiền phụ mẹ (có lần tay ướt mà tắt cầu dao bị điện giật té ngửa suýt chết).

Lúc học cấp I, tôi được các bạn thay phiên nhau cõng đến trường (trường gần). Khi lên cấp II (học ở khác xã), lúc đầu là các bạn chở đi học bằng xe đạp, nhưng do đường xa và toàn đường sỏi đá, ngày mưa thì bì bõm nên các bạn không chở nữa. Tôi ngồi suốt trước cửa nhà chờ bạn đến đón nhưng mấy ngày liền không thấy là tôi biết bạn ấy không đến nữa.Thế là tôi đành phải bỏ học. Buồn và tủi thân lắm! Nghỉ học được một năm, thầy cô của tôi xuống nhà động viên và hứa sẽ phân công người chở đi nên tôi đã được quay lại trường học. Tôi mừng lắm, cố gắng chăm chỉ học hành, không bỏ sót buổi nào. Thế nhưng, cũng chỉ được một học kì, người bạn đó cũng mệt mỏi rồi nản, khiến tôi lại một lần nữa phải từ bỏ ước mơ đến trường.

Năm 2000, khi vừa tròn 13 tuổi, nghe lời rủ rê, tôi liền theo hàng xóm vào Sài Gòn. Tại đây, tôi đi bán vé số để kiếm tiền sống qua ngày.Cuộc sống nơi đất khách quê người vừa xa lạ vừa khó khăn lại không có người thân nương tựa, tôi luôn cảm thấy mình cô đơn, muốn về quê.Nhưng quyết tâm kiếm tiền phụ gia đình đã lớn hơn tất cả, tôi xin chủ cho ở lại nhà của đại lý vé số. Ngày ngày, tôi lại nhờ người chở xe đạp đưa đến những con đường khác nhau, rổi tự di chuyển bằng nạng, lọc cọc đi bán những tập vé số kiếm đồng tiền ít ỏi nuôi bản thân và dành dụm chút ít gửi về quê cho mẹ. Thường thì mỗi ngày và đêm tôi bán được khoảng 300 tờ vé số (loại 2 ngàn đồng), lãi gần 60 ngàn đồng mà phải chia phân nửa cho người chở đi làm.

Bốn năm sau tôi dành dụm mua được chiếc xe lắc để tự đi. Có thời gian, tôi đi học sửa điện thoại, ban ngày tôi vẫn bán vé số bằng xe lắc, tối đi học. Nhưng đi cả ngày ngoài đường đến 17 giờ chiều, rồi giờ học cũng bắt đầu đúng lúc đó đến tận 23 giờ đêm, sức khỏe tôi không thể chịu được, nên nửa năm sau thì tôi nghỉ học. Năm 2010, tôi xin học ở Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật quận 3. Tại đây, tôi xin học vi tính văn phòng, nhưng do trình độ văn hóa mới hết tiểu học nên Trung tâm không nhận học. Vì ước mơ thay đổi số phận, tôi quyết định tìm trường tư nhân đăng ký học, học cũng không được bao lâu, vì đây là trường tư, phải đóng học phí mà tôi lại không có tiền để đóng. Sau đó, tôi cũng tìm kiếm thông tin, theo học lấy chứng chỉ A vi tính rồi học thêm thiết kế đồ họa.

Tình cờ đọc báo Thanh Niên, thấy có thông tin về dự án Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), tôi tranh thủ bán vé số về sớm, đi nộp hồ sơ tham gia dự án.

Được chọn vào dự án, tôi tham gia rất nhiều hoạt động của Trung tâm, tính đến nay cũng đã 2 năm rồi. Tôi được DRD cho đi giao lưu, tập huấn với các CLB khác tại Bảo Lộc, Cần Thơ, Đà Nẵng… Tôi có thêm nhiều bạn bè.Tôi được DRD tập huấn nhiều kỹ năng mà trước giờ tôi chưa từng biết, nhờ vậy mà tôi thấy mình tiến bộ hơn rất nhiều. Tôi cùng dự án Sống độc lập tham gia trải nghiệm và tiếp cận các công trình vui chơi công cộng, tôi biết người khuyết tật như tôi cũng có nhu cầu vui chơi giải trí ở các công trình công cộng nhưng hầu hết đều gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các công trình đó. Tôi cùng nhóm thanh niên khuyết tật tham gia tổ chức nhiều hoạt động xã hội mang tính cộng đồng.

Hình Phạm Như Ý 1

Trải qua nhiều hoạt động như vậy tôi mới hiểu rằng muốn nâng cao năng lực cho bản thân không phải một sớm một chiều mà phải tích cực tham gia càng nhiều hoạt động càng tốt, có như vậy mới tích lũy những cái hay để bản thân ngày càng tiến bộ. Tôi thấy tinh thần lạc quan và tự tin hơn trước rất nhiều, hồi nhỏ tôi rất thích đi đây đi đó và ước mơ một lần đi máy bay cho biết, giờ đây nhờ có DRD mà tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Nó khác xa với việc cứ ngày ngày một  mình đi bán vé số rồi về đại lý trước đây của mình. Tôi thấy vui lắm.

Hiện tại, tôi đã bỏ nghề bán vé số và đang là một trong những tài xế đầu tiên của Dự án Motobike taxi của DRD nhằm hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật. Tôi thấy mình rất hạnh phúc vì lúc nhỏ do không có phương tiện đi lại nên tôi đành bỏ học thì giờ đây, tôi lại được giúp đỡ cho những người bạn đồng cảnh để họ có thêm cơ hội đi học, đi làm, đi khám bệnh, và tham gia các hoạt động xã hội mà họ thích. Lúc này tôi mới cảm thấy mình thật sự có ích cho xã hội, tôi nghĩ người khuyết tật nào cũng có khả năng tham gia và đóng góp đầy đủ vào xã hội như những công dân khác nếu được tạo điều kiện phù hợp.

Hình Phạm Như Ý 2

Tôi rất may mắn được DRD tạo cho cơ hội để có thể giúp đỡ bạn đồng cảnh như mình. Tôi vẫn nuôi ước mơ trở thành một nhân viên thiết kế đồ họa và tôi đang tiếp tục học khóa học về Photoshop để phục vụ cho công việc đó.Với tôi, dù gì Sài Gòn cũng chỉ là một nơi kiếm tiền, tôi luôn ôm ấp ước mơ sẽ được về quê với mẹ già và có một nghề nghiệp ổn định tại nơi mình đã sinh ra.Nhưng trước hết, tôi vẫn phải không ngừng học hỏi để thay đổi bản thân mình trở nên hoàn thiện hơn nữa.

 

 

DRD Vietnam


Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Từ khóa: DRD và các hoạt động, Gương điển hình

Tin liên quan

Go to top