Hình: Nguyễn Thị Ái Thanh
Tôi, một cô bé đến t ừ vùng đất khô cằn ngh èo nàn Ninh Thuận, mang trên người kết quả của cơn sốt bại liệt lúc chín tháng tuổi, mất khả năng đi lại hoàn toàn. Lớn lên trong sự khác biệt so với những đứa trẻ trong làng, tôi không thế chạy nhảy thậm chí một bước chân từ chính sức lực của mình cũng là một điều xa xỉ. Từ lúc nhận thức được bản thân là lúc tôi co mình sống khép lại. Với mong muốn được như các bạn, được học hành, được đối xử như những người “bình thường” tôi quyết tâm đi học.
Trên vai ba mẹ, trên vai anh trai rồi thì xe lăn, tôi đến trường không mệt mỏi, mong muốn mình sẽ tốt hơn trong tương lai, nghĩ đến điều đó tôi khát khao đến trường hơn ai hết. Mặc dù, tôi cảm nhận sự vất vả của ba mẹ, tình thương em gái của anh trai k èm theo những giọt mồ hôi mặn chát dưới trời nắng, hơn lúc nào hết, tôi không được bỏ cuộc, không được chán nản. Năm tháng trôi qua, nếm trải đủ điều hy sinh của ba mẹ và anh chị.Thời gian gia đình khó khăn là lúc tôi ngậm ngùi gác lại việc học của mình để nhường cho anh chị đang chuẩn bị vào Đại học. Ba năm sau, tôi quyết định trở lại ngôi trường cấp hai để tiếp tục theo học vì với tôi học không bao giờ là muộn. Năm tháng trôi dần, bao nhiêu cay đắng của miệng đời, miệng người tôi cũng đã từng trải, cực khổ muôn phần của bản thân phải “hòa nhập” vào môi trường mà trong đầu tôi lúc đó nó không dành cho tôi. Họ dè bĩu “què quặc mà học, học không làm vua làm quan gì, người có tay có chân còn thất nghiệp huống chi sụi sẹo, cho ăn, cho no, cho bận, cho lành là tốt rồi…”.Tôi khắc ghi mãi những câu nói đó làm động lực bước tiếp. Thế rồi, cái ngày tốt nghiệp trung học phổ thông và bước vào thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đến, mong đợi được làm sinh viên và được vác ba lô đi học xa nhà cũng đã đến. Ai hay đâu một chặng đường vất vả trăm bề hơn trước, và tôi đã đến Sài Gòn.
Sài Gòn - miền đất hứa, tráng lệ và hào nhoáng! Ngày đầu tiên đến trường trên chiếc xe lắc tay, tôi trong bộ dạng của một cô sinh viên khuyết tật quê mùa - hai lúa, đi hoài mà chẳng thấy đến trường, tôi lạc đường thê thảm, dừng lại bên đường hỏi chả ai muốn trả lời, họ nhìn tôi như một người hành tinh xa xôi nào đó, lần dò mãi và nhờ sự chỉ đường của chú xe ôm, tôi cũng đến trường, chiếc áo sơ mi màu xám chuột ướt đẫm mồ hôi. Mệt bở hơi tai, ngước nhìn những bậc thang mà hết muốn lên lớp, các bạn nhìn tôi rồi bỏ đi không mẩy may hỏi han hay giúp đỡ, tôi biết làm sao, tôi chỉ ngồi im lặng và đợi, tôi không biết mình đợi điều gì. Và rồi, điều gì đến cũng sẽ đến, có một nhóm bạn nữ muốn giúp nhưng lại không đủ sức cõng tôi, luống cuống chạy đi tìm một bạn nam giúp mà sau này tôi mới biết bạn ấy học chung lớp với tôi.
Trở về lại căn nhà trọ, tôi lủi thủi đi chợ mua thức ăn, vào trong chợ là một điều khó khăn và chắc phải là giờ trưa đứng bóng tôi mới có thể lắc được chiếc xe to đùng của mình vào con lối nhỏ chen chúc ấy. Một lần sau giờ đi học về, tôi chưa để ý, cứ hí hửng lắc xe vào chợ, chen được vào trong chợ tôi lội qua hàng cá, những người trong chợ họ chen lấn vào nhau, nhiều người nhìn tôi khó chịu, tôi vẫn không để ý, người khác lại bảo tôi tới trước một xíu, tôi vẫn chưa bận tâm nhưng rồi một giọng lớn vang lên “con bé kia, ai cho cái xe lắc ấy vào chợ, chật chội mà còn chen vào, tàn tật mà cũng bon chen…”, dù bên cạnh tôi là vô vàn xe máy, xe đạp,... Mặt tôi bừng nóng, tay run lặp cặp, lắc xe đi mà dòng nước mắt cứ chực sẵn trào ra. Từ dạo ấy, tôi toàn cặp vào lề đường mua thức ăn, không vào chợ vì sợ câu nói sát vào lòng của những người vô cảm.
Tôi sống khép mình, chỉ có học và học, trở về phòng thì lại lủi thủi nằm một mình. Những lúc buồn, tôi lắc xe lang thang đâu đó, muốn đi siêu thị, nhà sách lắm nhưng sao mà đi, sợ họ sẽ nhìn, dạo công viên thì nhiều người thấy, tôi ngại, tôi nhìn họ và nhìn lại mình, mình chẳng giống ai cả, mình không đẹp như họ, mình không nên ra ngoài nhiều. Những suy nghĩ đó cứ quanh quẩn và nó chốt giữ tôi trong căn phòng chật hẹp để không ai có thể tổn thương mình. Nhưng liệu có tổn thương không khi trên đường đi học, không đếm hết bao nhiêu người hỏi mua vé sô, thậm chí cho tiền… Phải bán vé số, phải ăn xin nếu bạn là người khuyết tật sao? Tôi thấy đau lắm!
“Tôi được đi nhiều nơi mà trước đây chưa từng dám nghĩ đến”
Biết đến Trung tâm Khuyết tật và Phát triển - DRD nhờ một cô bạn đồng hương.Ngày đầu tiên tôi đến DRD, trong đầu tôi có suy nghĩ “có nhiều người khuyết tật vậy sao?Trước giờ mình toàn sống và sinh hoạt trong môi trường chỉ có mình khuyết tật”.Tiếp xúc và nói chuyện với anh Thanh Tùng tôi cảm thấy vui và có mong muốn sẽ đến DRD không phải một lần. Cuộc tuyển chọn thanh niên khuyết tật được tổ chức chặt chẽ.Ngày đánh dấu bước ngoặt của tôi với DRD là 15/04/2012, ra mắt Dự án Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật. Niềm vui và hãnh diện khi được là thành viên trong DRD mà sau này tôi mới nhận thấy.
Đến DRD với mục đích đầu tiên là mong muốn nhận được sự hỗ trợ Học bổng Người bạn Đồng hành để chi trả những chi phí ăn ở đi lại trong thời gian đi học xa nhà khó khăn. Tuy nhiên, tôi đến DRD ngày càng nhiều thì tôi càng nhận ra mình cần nơi này nhiều hơn điều mình mong đợi.
Từ lúc biết DRD cho đến nay là cả một chặng đường dài và là một hành trình thay đổi yêu thương. Ở đây, tôi quen biết những người bạn, anh chị khuyết tật và không khuyết tật, họ tạo cho tôi hứng khởi, khi gặp họ tôi có thể huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời, điều mà trước đây tôi cực kì khác biệt (tôi ngại nói nhiều vì sợ người ta để ý và chê bai, có vài lần trước đây đã bị họ nói). Tôi học được những kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng nói trước đám đông, kĩ năng thuyết trình, quản lí thời gian, kĩ năng lãnh đạo… những buổi tập huấn kĩ năng được anh chị DRD nhiệt tình chia sẻ cả lý thuyết và thực hành. Những kĩ năng ấy thật sự rất cần thiết không những đối với người khuyết tật mà còn rất thiết thực với người không khuyết tật, giúp tôi tự tin hơn trong học tập cũng như làm việc.
“Tôi được đi nhiều nơi mà trước đây chưa từng dám nghĩ đến” là câu nói tôi thường nghĩ và thích thú khi khoe với mọi người.Chắc hẳn rằng ai cũng có sở thích đi đây đó để biết được nhiều nơi nhưng không phải ai cũng có khả năng ấy vì nhiều điều, và hơn hết, những người khuyết tật như chúng tôi lại càng hạn chế. Trước khi đến DRD, tôi chỉ đi học và về nhà, mặc dù rất muốn đi chơi, tham quan, giao lưu nhưng ngại những ánh mắt dò xét, suy đoán của mọi người, một phần nữa là tôi sẽ rất khó khăn để xoay sở bởi những con dốc, những bậc thang… Vào dự án Nâng cao năng lực cho Thanh niên khuyết tật ở DRD tôi được tham gia vào các buổi dã ngoại, giao lưu nên đến được những nơi mà tôi mong đợi. Vui lắm, hạnh phúc lắm khi làm được điều mình thích.
Tham gia dự án Sống độc lập, tôi được chia sẻ qua những buổi Tham vấn đồng cảnh, tôi hiểu hơn anh chị giống mình qua các lời tâm sự. Tôi được Người hỗ trợ cá nhân (PA) đồng hành và chia sẻ những việc khó khăn như đi lại, bậc dốc, giúp tôi tự tin hơn khi tham gia các hoạt động mà trước đây nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến như đi siêu thị, đi tham quan, đi chùa…
Và hơn hết, ở đây giúp tôi nhận ra “tôi có nụ cười tươi và đẹp”.Chương trình “Phủ sóng yêu thương” được thực hiện và hình ảnh nụ cười của ngày đầu tiên đến phỏng vấn tại DRD được anh chị chụp lại và dùng làm ảnh đại diện chương trình.Tôi bất ngờ và rất vui khi được chọn bức hình ấy.Trước đây, tôi không cười nhiều như bây giờ bởi vì có nhiều người nói “người đã xấu, cười cái miệng rộng quá chừng”, tôi ý thức được nên rất ít chụp hình và nếu có chỉ là những tấm ảnh nghiêm trang, không cười.
Tôi thích chụp ảnh hơn và thích thú với nụ cười tươi như hoa của mình.Đến giờ, bộ sưu tập về hình tươi vui của tôi không hề nhỏ.Tôi nhận ra rằng “Sao bạn không cười khi cuộc sống này còn quá nhiều điều tươi đẹp? Sao bạn không cười khi bạn sở hữu nụ cười đẹp?”. Và cứ thế ngày qua ngày, tôi đã lớn dần theo DRD - là nơi tôi sống thật với lòng mình.
Học tập và việc làm của tôi cũng gắn liền với DRD. Những ngày đầu tiên tìm chỗ thực tập cuối khóa cực kì khó khăn với một cô sinh viên khuyết tật vận động như tôi, nhưng Câu lạc bộ Việc làm DRD đã tạo cơ hội để tôi có được chỗ thực tập tốt, và nhờ các mối quan hệ từ DRD hiện tại tôi đang có một việc làm đúng ngành nghề tôi học.
Chẳng mấy ai thấy xương rồng đẹp, vì nó khô cằn và cứng nhắc như chính con người trước đây của tôi vậy.DRD đã nuôi lớn tư tưởng của chậu xương rồng ấy và nó đã nở hoa.Xương rồng nở hoa, có ai không thích ạ?Vâng, nó khô cằn nhưng vẫn có sắc hoa để hòa vào hàng trăm thứ hoa sặc sỡ muôn màu, để tô thắm hơn cho đời.
DRD Vietnam