Search

Vie

Eng

Ra mắt ứng dụng bản đồ tiếp cận DMap

Thứ tư, 02 tháng 03 2016 15:31

Sáng nay, ngày 1 tháng 3 năm 2016, tại hội trường ĐH Hoa Sen cơ sở Nguyễn Văn Tráng - Quận 1, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã tổ chức buổi lễ Giới thiệu ứng dụng bản đồ tiếp cận DMap.

Bà lưu thị ánh loan

ThS Lưu Thị Ánh Loan - Quyền giám đốc DRD phát biểu

Ứng dụng bản đồ tiếp cận DMap là một dự án xã hội của DRD thực hiện trong năm 2015 với đối tác chính hỗ trợ là ĐH Hoa Sen. Dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ sinh viên và giảng viên các khoa Khoa học & Công nghệ, Kinh tế & Thương mại và Đào tạo Chuyên nghiệp.

Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “…một trong những mục đích của dự án này là xoá bớt những rào cản không đáng có từ sự thiếu thông tin. Khi xã hội đang có những công trình thiết kế tiếp cận với NKT, thì tại sao chúng ta lại tạo ra rào cản thông tin, không tìm cách để cho NKT biết đến công trình đó để sử dụng…”

Rát trình bày

Chị Phan Thị Rát, Đại diện cộng đồng NKT

Chị Phan Thị Rát, đại diện cộng đồng người khuyết tật (NKT) - đối tượng hưởng lợi cho biết: “Đội ngũ tình nguyện viên của DRD đã khảo sát trên 1800 công trình tại địa bàn quận 1, 3, 10 bao gồm nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí, cơ sở khám chữa bệnh,… nhưng chỉ có 78 địa điểm là có các yếu tố thuận tiện với người khuyết tật. Đây là con số khiêm tốn, thể hiện rằng nhu cầu đi ra ngoài, tham gia vào các hoạt động xã hội như những đối tượng khác bị hạn chế, cản trở”.

Người khuyết tật (NKT) cũng giống như các thành viên khác trong xã hội, họ cũng có nhu cầu tham gia vào các hoạt động của xã hội không chỉ liên quan tới việc làm, giáo dục, y tế mà còn có các hoạt động vui chơi giải trí, trong đó có tụ tập bạn bè, đi công viên, siêu thị hay quán ăn, bảo tàng v.v… Thiếu thông tin là một trong những rào cản khiến NKT ngại ra ngoài, cộng thêm những công trình/dịch vụ được thiết kế không thuận tiện càng làm NKT gặp khó khăn hơn khi hoà nhập. Chính vì điều này đã góp phần giới hạn khả năng hòa nhập xã hội của NKT.

Đoan

Anh Nguyễn Lưu Bảo Đoan - Đối tác từ Đaị Học Hoa Sen chia sẻ

Đó cũng chính là lý do để những người thực hiện dự án cố gắng xây dựng và sớm đưa vào sử dụng DMap này.

Dự án Bản đồ tiếp cận DMap được phát triển trên nền tảng bản đồ tiếp cận trên giấy của Trung tâm triển khai trước đó từ 2011 đến 2012. Bản đồ này có phiên bản song ngữ Việt - Anh trên nền tảng IOS và Android cung cấp thông tin về điểm đến mà người khuyết tật có thể tiếp cận, giúp nâng cao sự hoà nhập của người khuyết tật vào xã hội.

Sơn hướng dẫn Dmap

Anh Trang Hồng Sơn - Phụ trách kỹ thuật hướng dẫn sử dụng DMap

Bên cạnh đó, nền tảng crowd-sourcing tức là dựa vào cộng đồng để phát triển cho phép mọi người trong xã hội có thể tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về khả năng tiếp cận của điểm đến. Người dùng nào cũng có thể tải ứng dụng vào điện thoại, và sử dụng chức năng gửi thông tin tiếp cận để gửi thông tin về cho Trung tâm DRD để bản đồ DMap được cập nhật. Do đó, ứng dụng này cũng đồng thời giúp cộng đồng nhận thức về nhu cầu hoà nhập chính đáng của người khuyết tật trong bối cảnh hạ tầng đô thị chưa đáp ứng. Về lâu dài, DRD kỳ vọng nhận thức của ngày càng nhiều người trong xã hội sẽ tác động tích cực đến hành vi của người dân và cơ quan chính quyền để các công trình công cộng như công viên, công sở, văn phòng, quán xá được điều chỉnh và xây dựng theo hướng tiếp cận.

Hướng dẫn dùng

Người khuyết tật sử dụng DMap

Cũng trong buổi lễ này, DRD và ĐH Hoa Sen nhận được khá nhiều những góp ý để hoàn thiện ứng dụng như: Đưa âm thanh vào để phục vụ cho người khiếm thị, các biểu tượng thể hiện địa điểm nên nhỏ lại để dễ theo dõi hơn, cần có bản giới thiệu cụ thể cách sử dụng tải lên Youtube, nên giới hạn mức tối thiểu để xem thông tin là 1km…

góp ý

Anh Quách Đồng Thắng - Sở KHCN Tp.HCM góp ý cho DMap

Việc NKT bị hạn chế cơ hội ra ngoài cũng góp phần tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bản đồ tiếp cận DMap cung cấp thông tin về khả năng tiếp cận cho nhiều loại điểm đến khác nhau, từ quán ăn, nơi mua sắm, điểm giải trí đến công trình tôn giáo. Thông tin này sẽ giúp người khuyết tật có cơ hội tham gia vào những hoạt động bình thường mà những người khác có thể tham gia.

Ảnh lưu niệm

Ảnh lưu niệm ban tổ chức

Bản tin DRD


Từ khóa: Bản đồ tiếp cận, Chương trình xã hội, DRD và các hoạt động, Hỗ trợ, Người khuyết tật, Tiếp cận, Xe lăn

Tin liên quan

Go to top