Search

Vie

Eng

Một khởi đầu mới

Thứ bảy, 02 tháng 06 2012 16:16

Giúp thanh niên khuyết tật có những thay đổi tích cực về chính bản thân mình, từ đó góp phần thay đổi cách nhìn của cộng đồng về người khuyết tật nói chung là một trong những tiêu chí mà Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD) luôn hướng đến. Để thay đổi, bản thân người khuyết tật trước hết phải nhận ra “mình là ai” và “có vai trò như thế nào” đối với tập thể và  trong xã hội. Đó cũng là mục tiêu của buổi họp mặt thanh niên đầu tiên diễn ra sáng ngày 02/06/2012 tại số 91/6N Hòa Hưng, P.12, Q.10, Tp. HCM.

alt 

Hơn 45 thanh niên khuyết tật đã có buổi giao lưu và chia sẻ giá trị bản thân trong không khí thân thiện và sôi nổi qua các trò chơi đơn giản như “Tôi là ai?”, “Vẽ tranh bằng người” và “Sáng tạo băng reo”. Chỉ với một tờ giấy A4 và một cây bút, thanh niên có thể tự do sáng tạo những kiểu thể hiện bản thân như vẽ, viết trực tiếp, xếp hình, xé giấy... Từng thành viên trong nhóm cũng có thể là chất liệu để tạo nên những bức tranh sinh động “bằng xương bằng thịt”. Dù chưa nói lên hết tất cả ý “tôi là ai”, nhưng những gì thanh niên thể hiện cũng góp phần giúp họ nhận ra và dần định hình giá trị bản thân. Một thanh niên khiếm âm (em nghe được nhưng không nói được) chia sẻ: “Trong bức vẽ, em ví mình như chú chim khuyết tật bé nhỏ nhưng vẫn muốn bay cao, muốn được tự do thể hiện khả năng của mình dù biết phía trước còn nhiều gian khó. Nhưng em tin, chỉ cần có điểm tựa em sẽ vượt qua”. Một thanh niên khác cho biết: “Hiện giờ em là một ánh trăng khuyết, nhưng dù khuyết thì vẫn có ý nghĩa với đời. Cái khuyết về thân thể của bản thân, em không để ý nhiều, em sẽ nỗ lực để lắp đầy những cái khuyết về kiến thức và kỹ năng để mọi người khi nhìn vào em, không còn nhìn vào sự khiếm khuyết của thân thể nữa”.

alt 

Xen kẽ giữa các trò chơi , thanh niên còn được chị Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc trung tâm chia sẻ thêm mục tiêu hoạt động của trung tâm và dự án Nâng cao năng lực thanh niên khuyết tật do tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ, giúp thanh niên thấy rõ trách nhiệm của mình khi tham gia và nhận hỗ trợ từ dự án. Các bạn sẽ được “trao cần câu và chỉ dẫn cách câu”, còn “bắt được cá hay không” là còn tùy thuộc vào quyết tâm của các bạn có muốn thay đổi bản thân và giúp người khác thay đổi cách nhìn về mình hay không.

alt 

Trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh được trang bị các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, thanh niên còn được đồng hành để từng bước hoàn thành mục tiêu học tập, học nghề, việc làm góp phần có được cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Bản tin DRD


Từ khóa: Chia sẻ, DRD và các hoạt động, Dự án AP, Người khuyết tật, Kỹ năng sống

Tin liên quan

Go to top