Lễ chào mừng thanh niên trúng tuyển đợt 2 dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật”
NGÀY CỦA YÊU THƯƠNG
Ngày 2- 12, lễ đón thanh niên trúng tuyển đợt 2 của dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật” đã được tổ chức trong bầu không khí ấm tình bè bạn tại Hội quán Đời rất đẹp (91/6N Hòa Hưng, P.12, Q.10).
Từ sáng sớm, các bạn thanh niên đã đến Hội quán Đời rất đẹp với tâm trạng háo hức và dường như ai cũng chờ đợi ngày này từ lâu. Ngay phần trao những tấm hình cắt làm đôi cho đại biểu, tình nguyện viên và thanh niên khuyết tật đã hứa hẹn những tiết mục thú vị về sau. Trong vai trò MC, Thanh Hoa có cách dẫn chuyện dí dỏm, thông minh đã khuấy động không khí Hội quán qua từng tiết mục. Trò chơi mở màn “Tìm nửa của mình” như chính tên gọi của nó nhưng đã vượt ra giới hạn về tình cảm riêng tư để qua đó gắn kết các thành viên với nhau bằng tình bạn. Với nửa tấm hình trên tay, việc dùng ngữ điệu để thông báo và giúp người kia tìm ra mình rồi ghép hai tấm hình lại sẽ tròn một con vật nào đó là ý tưởng hay. Nó giúp các thành viên xích lại gần nhau và phù hợp với từng dạng tật mà không gây khó khăn, phiền toái trong khi chơi cho mỗi bạn.
Phần giới thiệu về dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật” do anh Nguyễn Văn Cử, Điều phối dự án trình bày đã khái quát những mặc quan trọng, vai trò, vị trí và ý nghĩa thiết thực của dự án như là người bạn đồng hành của thanh niên khuyết tật torng quá trình hiện thực hóa ước mơ của họ. Đồng thời, qua đây, hầu như bạn thanh niên khuyết tật nào được chọn vào dự án cũng nhận thấy có một lực lượng không nhỏ.luôn sát cánh và hỗ trợ tận tình nhằm tạo ra những thay đổi tích cực của mình đó chính là Người Đồng Hành. Nói như Th.S Phát triển giáo dục Lê Thị Mỹ Hương thì Người Đồng Hành phải có kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề và nhất là biết lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Trong thời gian tới, Người Đồng Hành sẽ đóng vai trò kết nối, định hướng kỹ năng và góp phần vào sự thay đổi của thanh niên khuyết tật cũng như cái nhìn của cộng đồng xã hội về họ. Hẳn những ai từng tham gia các khóa học MT15, MT19 sẽ thấy được Người Đồng Hành đối với thanh niên khuyết tật mà nói là những người bạn thật sự cần thiết. Vì mỗi thanh niên trong dư án mang một dạng khuyết tật riêng; khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật vận động… nên ngoài nỗ lực của chính họ thì sự hỗ trợ của Người Đồng Hành là vô cùng quan trọng. Chính điều đó tạo ra cảm giác cân bằng giúp các bạn thanh niên vững tin, thoải mái hơn trong từng hoạt động của mình.
Sau thời gian dài làm việc cật lực và hết sức nghiêm túc thông qua vòng tuyển chọn hồ sơ, phỏng vấn khá gắt gao, 47/80 thanh niên khuyết tật đã được chọn vào dự án đợt 2. Mỗi gương mặt là một hoàn cảnh, mỗi dạng tật, một ước mơ riêng, có điều họ đã, đang và sẽ cùng nhau gắn kết torng dự án này để những điều ước ngỡ rất xa vời trở thành hiện thực. Vì dự án chỉ giới hạn trong thanh niên hiện đang học tập, làm việc tại TPHCM nên 47 gương mặt lần này tất nhiên không thể đại diện hết cho cả một thế hệ thanh niên dù có khiếm khuyết nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, sức trẻ và khát vọng vươn lên không ngừng. Tuy nhiên, cùng với các thành viên trúng tuyển đợt 1, chắc chắn những gương mặt còn rất trẻ này sẽ tạo nên nhiều khác biệt và từng bước làm thay đổi cái nhìn của cộng đồng về thanh niên khuyết tật. Logo và slogan của nhóm thanh niên dự án khá ấn tượng. Chữ Y là biểu tượng thể hiện sự chủ động, năng động, sáng tạo, mạnh mẽ, quyết tâm phấn đấu vươn lên khuyết tật. điều này, một lần nữa khẳng định rằng, không phải cứ nhắc đến thanh niên khuyết tật là gợi lên hình ảnh đáng thương, tội nghiệp, không có năng lực. Slogan CHÚNG TÔI CÓ THỂ khái quát ngắn gọn thông điệp của thanh niên khuyết tật đến cộng đồng rằng, không có gì là không thể nếu bản thân còn biết cố gắng, nỗ lực và có niềm tin, thanh niên khuyết tật có đầy đủ những tố chất đó và họ sẽ làm tốt.
Có lẽ, cảm động nhất torng lễ đón thanh niên trúng tuyển đợt 2 lần này là phần chia sẻ của các bạn về những thay đổi của mình kể từ khi được chọn vào dự án. Phan Thị Rát, SV Trường ĐH Mở TPHCM bộc bạch: “Rát đã thay đổi rất nhiều kể từ khi tham gia các hoạt động cùng thành viên dự án. Rát trở nên cởi mở, tự tin và hòa đồng hơn hẳn, điều mà trước đây ngỡ là mình không làm được”. Trong khi đó, có bạn khác lại bày tỏ trăn trở về việc ra đời một CLB Tiếng Anh dành riêng cho thanh niên khuyết tật. Đây là ý tưởng hay và thú vị. Hiện nay, Tiếng Anh trở thành hành trang rất quan trọng của mỗi bạn trẻ khi vào đời chứ không riêng gì thanh niên khuyết tật. Tuy nhiên, việc theo đuổi đam mê học Tiếng Anh thì không phải ai cũng có điều kiện tốt nhất, đặc biệt là với các bạn khuyết tât. Một CLB Tiếng Anh dành riêng cho thành niên khuyết tật, tai sao không? Có lẽ rất khả thi và hiệu quả. Nhìn chung, những thay đổi cơ bản của các bạn thanh niên khuyết tật là về mặt nhận thức, hành vi. Họ đã bắt đầu thoát ra khỏi vỏ ốc tự ti, mặc cảm của mình để sống lạc quan hơn. Việc đào sâu vào khả năng của bản thân, nhận ra những gì mình có dường như đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi tích cực của mỗi thanh niên. Cần nhắc đến ở đây là các khóa học MT mà DRD đã hết sức cố gắng tạo điều kiện để thành viên dự án đi học gần như mở ra bước ngoặc lớn trong cuộc đời mỗi bạn.
Cái hay của chương trình lần này là nó được tổ chức một ngày trước Ngày Quốc tế người khuyết tật (3- 12) và do chính thành viên trúng tuyển đợt một “tự biên tự diễn” để đón chào thành viên đợt 2. Vì vậy, không đơn thuần là một lễ ra mắt thuần túy, trong ngày này, tất cả các thành viên dự án và Người Đồng Hành đã ngồi lại bên nhau, cùng ăn, cùng chơi, cùng hát, cùng ôn lịch sử Ngày Quốc tế người khuyết tật và nói về tương lai. Dường như có cái gì mới mẻ, sáng sủa lắm đang đến với họ. Cuối chương trình, tất cả các thành viên đã thống nhất chọn tên nhóm ĐỘT PHÁ thể hiện phong cách của những người có nhiều sức sống, tạo được sự chú ý bằng chính khả năng của mình. Đồng thời, với sự đồng tình ủng hộ của 38 thành viên, Phan Thị Rát trở thành trưởng nhóm. Rát sẽ đầu tàu trong suốt quá trình kết nối thanh niên khuyết tật với nhau và với cộng đồng trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Thảo