Search

Vie

Eng

Sức mạnh ngôn từ và vấn đề truyền thông tăng cường hòa nhập cho Người khuyết tật

Thứ hai, 25 tháng 11 2013 14:17

Được sự tài trợ của Tổ chức Atlantic Philanthropies (Ap) và Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã tổ chức buổi chia sẻ với đại diện, phóng viên giới truyền thông về phương pháp làm việc và cách sử dụng ngôn từ phù hợp liên quan đến lĩnh vực khuyết tật khi thực hiện các bài viết, tin tức về NKT.

14781-taphuanbaodai01

ThS Võ Thị Hoàng Yến chia sẻ 

Mặc dù đã có 155 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có Việt Nam) ký Công Ước Quyền của Người Khuyết tật và 137 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phê chuẩn Công Ước, vẫn còn quá ít người hiểu rõ giá trị cốt lõi mà Công Ước mang lại cho người khuyết tật (NKT).

Cách đưa tin về NKT có thể là một phương tiện ủng hộ tích cực hoặc vô tình kiềm hãm cho những quyền mà NKT được hưởng; chính vì thế sự quan tâm và thấu hiểu cuả chính những người làm công tác truyền thông là vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên sự hòa nhập bình đẳng về cơ hội cho NKT hướng đến “Một thế giới cho tất cả”.

Buổi chia sẻ lần này do Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc DRD trực tiếp hướng dẫn. Nội dung xoay quanh các vấn đề như khái niệm về khuyết tật và tàn tật, phân biệt 3 mô hình: Từ thiện, Y tế, Xã hội trong việc hỗ trợ NKT, sự phát triển và giá trị cốt lõi của Công ước Quốc tế về quyền của NKT, 4 rào cản chính cản trở sự hòa nhập bình đẳng của NKT: môi trường (cơ sở hạ tầng, giao thông…), thái độ, chính sách và văn hóa-tôn giáo…và đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của truyền thông trong việc thúc đẩy quyền của NKT tại Việt Nam.

14781-taphuanbaodai02

Phóng viên Phương Chi đọc tài liệu  

14 phóng viên đại diện cho các báo, đài truyền hình đã có những chia sẻ cởi mở và có cái nhìn khác ở nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề khuyết tật. Khi tiếp xúc hoặc làm việc với NKT, điều cốt lõi mà họ hiểu được là nhìn NKT ở khía cạnh con người trước chứ không phải nhìn vào khuyết tật của họ. Sự thông hiểu này góp phần giúp họ có cái nhìn tích cực, từ đó dẫn đến những hành động đúng trong cách xây dựng hình ảnh và chọn lọc từ ngữ phù hợp khi đưa tin, bài viết về NKT. Buổi chia sẻ đồng thời còn là dịp để họ chia sẻ những kinh nghiệm và thách thức trong quá trình làm việc thông qua việc đặt nhiều câu hỏi, thảo luận những giải pháp mà giới truyền thông có thể góp phần xóa bỏ rào cản, thay đổi cách nhìn của cộng đồng về NKT theo hướng tạo cơ hội bình đẳng để họ hòa nhập hoàn toàn vào xã hội.

14781-taphuanbaodai03

Chia sẻ của Phóng viên Thái Bình (Báo Tuổi Trẻ) 

Chiều cùng ngày, 35 NKT cũng được nghe những chia sẻ về tầm quan trọng khi làm việc với báo chí truyền thông nhằm nâng cao hình ảnh tích cực của NKT. Họ nhận thức được rằng cách họ thể hiện trước báo chí cũng như truyền thông góp phần rất lớn hướng đến một xã hội Việt Nam không rào cản trong tương lai không xa.

Bản tin DRD


Từ khóa: Bài viết về DRD, DRD và các hoạt động, Dự án AP, Một thế giới cho tất cả, Người khuyết tật, Phân biệt đối xử, Phát triển cộng đồng, Quyền

Tin liên quan

Go to top