Search

Vie

Eng

Bước qua định mệnh

Thứ năm, 01 tháng 03 2012 17:00

Chia sẻ:

Định mệnh quá nghiệt ngã khi bắt chị thành người khuyết tật ở tuổi thiếu nữ, càng nghiệt ngã hơn khi các bác sĩ tiên liệu chị chỉ sống không quá mười năm, không thể có con, thậm chí nếu có bầu cũng không thể giữ được thai! Vậy mà với ý chí bản thân và tình yêu của người bạn đời, phép màu cuối cùng đã đến...

Căn bệnh không lời giải

Gia đình hạnh phúc của chị Ngọc Hiếu.

Là con gái út trong một gia đình khá giả, Liêu Thị Ngọc Hiếu có một tuổi thơ êm ả hạnh phúc trong sự thương yêu cưng chiều của cả gia đình. Thế nhưng khi bước vào tuổi thiếu nữ, cứ vài tháng chị lại chịu đựng một cơn đau lưng kinh khủng, mỗi lần đau là hai chân tê dại mất cảm giác. Cơn đau vài tháng xảy đến một lần, rồi xuất hiện thường xuyên hơn. Khi Hiếu được 18 tuổi, đôi chân yếu hẳn đi, ngay cả tiêu tiểu chị cũng chẳng thể tự chủ được. Hiếu phải di chuyển bằng xe lăn từ đó.

Suốt bao nhiêu năm ròng kể từ ngày Hiếu phát bệnh, gia đình chị đôn đáo ngược xuôi khắp các bệnh viện lớn nhỏ, hao tiền tốn của không biết bao nhiêu mà vẫn chẳng tìm ra nguyên nhân bệnh. Cho tới khoảng năm 1996, trong một lần tới phòng mạch của cố BS Vũ Tam Tĩnh, khi thử gõ dọc sống lưng Hiếu, bác sĩ khẳng định chị bị một khối u chèn ép lên phần tuỷ sống. Vì phát hiện quá trễ, chị không còn cơ hội điều trị phục hồi!

Những cuộc chiến không hồi kết

Phải mất thêm hai năm nữa, nhờ phương pháp chụp MRI các bác sĩ mới “nhìn thấy” được nguyên nhân khiến Hiếu bị liệt là một khối u mỏng như màng nhện nằm rải rác khắp các đốt cột sống từ D1 tới D5. Khối u lâu ngày đã đè phần tuỷ sống của chị xẹp xuống thành sẹo, không thể phục hồi. Tuy vậy, Hiếu vẫn còn khá may mắn, vì nếu khối u lan tới đốt C1 ngay kề bên, chị sẽ bị liệt cả tứ chi. Việc có nên mổ hay không cũng phải cân nhắc kỹ, nhưng gia đình Hiếu quyết định: phải theo đuổi điều trị đến cùng, dù có bán cả gia sản.

Cuối cùng thì ca mổ bóc tách khối u cho Hiếu đã thành công. Nhưng một thời gian sau đó, do cơ địa hấp thụ canxi ít dẫn tới kết tinh thành những viên sỏi trong thận, Hiếu tiếp tục phải trải qua một ca mổ lấy sỏi thận. Ít lâu sau là một ca phẫu thuật cắt nửa mét ruột non tạo bàng quang nhân tạo do bàng quang chị đã bị teo nhỏ, rồi điều trị liên miên chống lại nguy cơ suy thận do thận bị ứ nước thường xuyên… Những cuộc chiến dai dẳng để dành lại sự sống cho Hiếu cứ thế kéo dài như bất tận.

May mắn cho Hiếu là gia đình luôn ở bên dốc sức hỗ trợ chị trong những lúc hiểm nghèo nhất. Rồi chị gặp anh Nguyễn Thanh Hà trong một lần anh tới thăm người em họ, là người được gia đình thuê chăm sóc chị. Ấn tượng đầu tiên của hai người là… chẳng ưa gì nhau. Dù vậy, anh vẫn lặng lẽ giúp đỡ chị những lúc chị cần di chuyển hoặc thậm chí, cả những khi chị có nhu cầu vệ sinh do việc tiêu tiểu không chủ động được!

Song song với việc chống chọi với bạo bệnh, Hiếu lao vào điều trị phục hồi chức năng với niềm tin mãnh liệt rằng có ngày đôi chân sẽ đi lại được. Chị tâm sự, suốt bảy năm ròng rã tập vật lý trị liệu và nuôi hy vọng, có những đêm chị thức dậy hì hục tập một mình… Mồ hôi cứ đổ, thời gian cứ trôi, đôi chân của cô gái trẻ vẫn chẳng mảy may có dấu hiệu phục hồi. Hiếu lại chìm vào tuyệt vọng. Người luôn luôn bên chị lúc này vẫn là anh Hà. Nhưng khi anh bày tỏ nguyện vọng sẽ làm đôi chân cho chị bước tiếp trên đường đời, một cuộc chiến khác lại xảy đến trong lòng Hiếu: người khuyết tật như mình, có nên mưu cầu một hạnh phúc bình thường?

Vượt quá ước mơ


Mắc bệnh từ khi chưa tốt nghiệp cấp ba, tới năm 30 tuổi, khi đã hết hy vọng vào sự hồi phục đôi chân, Hiếu bắt đầu định hướng cuộc đời mình bằng cách đi học bổ túc văn hoá, rồi sau đó theo học khoa kế toán và đại học chuyên ngành Anh văn nhằm trang bị cho mình một kiến thức để mưu sinh. Năm 1995, Hiếu được giới thiệu tham gia sinh hoạt ở tổ chức DRD dành cho người khuyết tật. Những buổi tiếp xúc với bạn bè đồng cảnh đã thay đổi suy nghĩ của chị rất nhiều, và chị xin công tác tại chính nơi đây để ổn định cuộc sống.

“Trước đây tôi và cả gia đình cho rằng sẽ chẳng có ai yêu thương người khuyết tật thật lòng, mặc dù hơn mười năm ròng anh Hà đã cố gắng chứng minh điều ngược lại. Một trở ngại nữa: sau ca mổ đầu tiên bác sĩ đã nói có thể tôi chỉ sống không quá mười năm, không thể có con, thậm chí nếu có bầu cũng không thể giữ được đứa bé vì mỗi lần cơ chân bị gồng cứng sẽ ảnh hưởng tới thai nhi… Bởi vậy tôi đã cự tuyệt tình cảm của anh. Thế nhưng tiếp xúc với những người đồng cảnh, tôi chợt nhận ra rằng: người khuyết tật cũng có quyền được yêu và kết hôn với người mình yêu!”– Hiếu chia sẻ.

Một đám cưới đã diễn ra vào năm 2008 tiếp nối cho mối tình mười năm nước mắt nhiều hơn nụ cười của anh chị. Rồi điều kỳ diệu nhất đã xảy ra khi một năm sau, bé Nguyễn Hà Minh Anh ra đời khoẻ mạnh vượt qua mọi lo lắng của người thân và cả các bác sĩ.

Sức khoẻ của Hiếu hiện rất ổn định. Chị tâm sự: “Tôi cảm ơn quãng thời gian mười năm thử thách đã giúp chúng tôi hiểu nhau. Anh Hà tinh ý tới mức giúp cho tôi tránh được ngay cả những e ngại do bất tiện của tình trạng khuyết tật đem lại trong đời sống vợ chồng. Bởi vậy, tôi muốn chia sẻ cùng những bạn đồng cảnh ngộ rằng, các bạn hãy thẳng thắn cho người thương yêu mình biết mọi khó khăn của bản thân nhằm tránh những thất vọng không đáng có. Và hãy luôn tâm niệm người khuyết tật cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc như bất cứ một người bình thường nào…”

BS Đào Thị Hiệp, chủ nhiệm bộ môn Vật lý trị liệu, đại học y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM:

Nếu được phát hiện sớm, Hiếu hoàn toàn có cơ hội hồi phục

“Thời điểm Hiếu phát bệnh, phương pháp phát hiện bệnh bằng chụp MRI chưa phát triển nên đã mất quá nhiều thời gian cho việc chẩn bệnh. MRI là máy dùng để chẩn đoán các bệnh lý nằm sâu trong cơ thể như tại não, tim, thận, tuỷ… Hiện nay, hầu hết các bệnh viện lớn đều có trang bị loại máy này nên rất nhiều trường hợp tương tự đã được chẩn bệnh và điều trị kịp thời”.

Bài và ảnh: Hương Vũ

Nguồn: SGTT

 


Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Từ khóa: DRD, Gương điển hình, Nhận thức, Phụ nữ khuyết tật, Quyền, Tâm lý, Tình yêu, Hôn nhân, Gia đình

Tin liên quan

Go to top