Chúng tôi là tập hợp của sự phấn đấu không mệt mỏi cho cuộc sống tốt đẹp hơn của người khuyết tật
Một nơi thân thiện và tiếp cận với người khuyết tật và gia đình, nơi kết nối các cá nhân, tổ chức, đối tác và cộng đồng.
Lịch sử hình thành
DRD Việt Nam - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật (DRD) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập ngày 3 tháng 12 năm 2005, trực thuộc Khoa Công tác xã hội của trường Đại học Mở TP.HCM dưới sự hỗ trợ ban đầu của Quỹ Ford. Cho tới nay DRD là tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Và Kĩ Thuật Việt Nam (VUSTA) theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số A-906 cấp ngày 7 tháng 5 năm 2010. DRD nỗ lực từng ngày góp phần xây dựng một xã hội công bằng và không có rào cản cho người khuyết tật (NKT). Trong những năm qua, với sự hỗ trợ và đồng hành của các nhà tài trợ và các đối tác, DRD đã đạt được những kết quả tích cực từ nỗ lực nâng cao năng lực và hòa nhập xã hội cho cộng đồng người khuyết tật.
Thông điệp
DRD tin rằng, mọi thay đổi trong thế giới mà chúng ta đang sống, được tạo ra bởi sự thay đổi từ chính chúng ta – bạn và tôi. Khi người khuyết tật (NKT) đóng góp giá trị của mình vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thì sự tham gia bình đẳng của NKT và các cơ hội công bằng cho NKT thực sự có ý nghĩa.
Tầm nhìn
Nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật
Sứ mệnh
Nỗ lực vì một xã hội không rào cản, nơi người khuyết tật có đủ năng lực hoà nhập.
Giá trị cốt lõi
- Vì người khuyết tật: DRD luôn đặt lợi ích của NKT làm trọng tâm. DRD luôn tin tưởng và tôn trọng giá trị, năng lực của NKT vì thế chúng tôi không ngừng nỗ lực để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện mang tính sáng tạo, hiệu quả và bền vững.
- Minh bạch và giải trình: Tất cả nguồn thu chi đều được kiểm toán độc lập và báo cáo công khai đến nhà tài trợ, người hưởng lợi và các bên liên quan. Mọi hoạt động của DRD đều được thiết kế có sự tham gia đóng góp ý kiến, theo dõi giám sát của các bên liên quan, được đánh giá bởi tư vấn độc lập và được được báo cáo đầy đủ, rộng rãi tới nhà tài trợ, người hưởng lợi và các bên liên quan.
Mục tiêu
- Nâng cao nhận thức về hoà nhập người khuyết tật cho cộng đồng và NKT để (1) cộng đồng khi nhìn NKT sẽ nhìn trên góc độ NKT có giá trị, năng lực và có quyền như mọi công dân khác, từ đó có hành động và trách nhiệm hỗ trợ NKT hoà nhập; để (2) NKT tin vào giá trị, khả năng và quyền của mình, từ đó tự tin tham gia vào các hoạt động xã hội và lên tiếng bảo vệ quyền của mình.
- Nâng cao năng lực hoà nhập NKT cho NKT và các nhà cung cấp dịch vụ để (1) NKT có đủ kiến thức, kỹ năng tiếp cận các hỗ trợ về y tế, giáo dục, nghề nghiệp, việc làm, tài chính, an ninh xã hội, xã hội và tăng quyền; (2) các nhà cung cấp dịch vụ biết cách điều chỉnh hợp lý, xoá bỏ các rào cản trong quá trình hỗ trợ hoặc cung cấp dịch vụ hỗ trợ NKT hoà nhập
-Cung cấp các cơ hội hoà nhập để NKT tiếp cận một cách đầy đủ và bình đẳng các hỗ trợ về y tế, giáo dục, nghề nghiệp, việc làm, tài chính, an ninh xã hội, xã hội và tăng quyền.
-Vận động thực thi chính sách với các cơ quan ban ngành, các nhà cung cấp dịch vụ để tạo ra các quy định, chính sách thúc đẩy hoà nhập NKT