Search

Vie

Eng

Vẻ đẹp của sự cho đi

Thứ ba, 28 tháng 12 2010 17:00

Chia sẻ:

Tôi đã trải qua những ngày dài đen tối, ngập tràn trong nước mắt, cay đắng hoài với biết bao nỗi tủi hờn, vì một tình yêu không được đền đáp. Một tình yêu cho đi mà chẳng bao giờ được nhận lại. Để rồi bỗng một ngày tôi đọc được những vần thơ của thầy Thích Nhất Hạnh: "... Thương yêu là kính ngưỡng, là bảo vệ, là không xâm phạm. Kính ngưỡng và bảo vệ, đó là tình tôi...". Một điều gì đó chợt vỡ ra, chợt bừng sáng, như thể lần đầu tiên tôi nhìn thấy ánh mặt trời.

Tôi bắt đầu nhìn ra xung quanh mình và bắt đầu học sống, học cách để cho đi mà không còn đau đớn, mà bình an tự tại. Tôi học cách để cảm nhận được niềm vui khi lòng mình rộng mở và tim mình thắp sáng niềm tin yêu cuộc sống.

Một đêm mưa, tôi đến quán cà phê mang cái tên thật là an ủi Đời rất đẹp. Một cô gái tóc đen, mắt đen, gương mặt như đức mẹ Maria đã làm tôi xao xuyến với những âm thanh u uẩn đến nao lòng: "Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về. Nhớ chân giang hồ. Ôi phù du từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ. Đời người như gió qua...". Tôi đã nghe nhiều ca sĩ hát Phôi pha của Trịnh Công Sơn, nhưng có lẽ Phương Dung là người làm tôi rúng động nhất. Khi em đứng lên, tôi mới nhận ra đôi chân tật nguyền của em. Lúc ấy, tôi đã bình chọn cho riêng mình Phương Dung là người hát về nỗi buồn hay nhất. Chính em, chứ không ai khác, đã dạy tôi biết kiêu hãnh trước bao sóng gió của cuộc đời, tìm lại hơi ấm của tình yêu thương, để thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn.

Còn có một cô gái khác, linh hồn của Đời rất đẹp, đó là Hoàng Yến. Khi Yến cất lên âm thanh trong trẻo, reo vui, tràn đầy nhựa sống: "Sao không là đàn chim khi bình minh thức giấc. Sao không là mặt trời, ươm hạt nắng vô tư...", trong tôi bỗng ngập tràn lòng biết ơn. Ứa nước mắt khi nhìn cô gái tật nguyền can trường ấy. Cuộc đời nghiệt ngã thế mà sao họ lại yêu đời đến vậy. Hoàng Yến đã đi khắp thế gian chỉ để học cách giúp cho người khuyết tật được sống đúng như một con người.

Đời rất đẹp (viết tắt từ DRD - Chương trình Khuyết tật và Phát triển (Disability Resource and Development) do chị sáng lập cùng với những người bạn của mình là một hình ảnh thật đẹp của sự cho đi. Dùng tiếng hát để kéo mọi người đến với DRD, làm những việc có ích cho cộng đồng, gương mặt của Hoàng Yến, Phương Dung, Thủy Tiên, Hoàng Ngọc như ngày một bừng sáng. DRD là nơi chốn giúp người khuyết tật cùng nhau hát lên bài ca khát vọng. Ở đây, mỗi người khuyết tật buồn tủi sẽ thấy mình có một giá trị cá nhân sâu sắc và cuộc sống đẹp đẽ hơn lên…

Có một người đàn bà khác mà tôi cũng rất kính trọng, yêu thương. Đó là chị Trần Thị Tuyết Nga, người đã tạo nên không gian văn hóa độc đáo và nên thơ cho Một thoáng Việt Nam. Hai lần gặp chị ở Một thoáng Việt Nam, cả hai chúng tôi đều nghẹn ngào muốn khóc. Tôi không thể hiểu được chị lấy đâu ra nhiều nghị lực đến vậy để có thể trụ vững sau bao lần trắng tay, nợ nần chồng chất đến khánh kiệt, để gìn giữ một giấc mơ. Dường như trong lòng chị lúc nào cũng có một nỗi đau trong sạch, nỗi đau khi nhìn thấy vẻ đẹp văn hóa, lịch sử, con người… của biết bao vùng đất cứ ngày một phai đi, để 20 năm nay lặng lẽ vun bồi 22 ha đầm lầy chi chít hố bom thành không gian mướt xanh của cỏ cây và hồn người, như một câu chuyện dài thật đẹp về đất nước…

Hỏi chị vì sao một người kiêu hãnh làm vậy, tự tin làm vậy, lại sẵn sàng… chịu nhục, hy sinh cả một thời xuân sắc của mình cho một giấc mơ gần như… không tưởng? Chị cười, nụ cười ẩn giấu nhiều cay đắng: "Một đất nước mà văn hóa mất thì xã hội sẽ lụi tàn. Càng ngày, sức ép càng lớn, nhiều người thương tôi cũng khuyên thôi dẹp đi, dù họ biết tôi làm đúng, nhưng không còn sức để phụ tôi, chỉ đứng nhìn. Số đó cũng đông. Quả thật có lúc cô đơn, cảm giác bị lạnh lưng. Thôi thì cứ đi, đứng lại là cay đắng, hoang mang, chùn tay… Càng làm, tôi càng thấy mình khỏe ra, như trở lại thời thanh niên mới lạ chứ…".

Chia tay người đàn bà tóc trắng như một bà tiên, tôi bỗng thấy chị đẹp lạ lùng. Vẻ đẹp của một người chỉ biết xả thân, chỉ biết dâng hiến. Tôi chợt hiểu ra quy luật của hạnh phúc và bật cười khi nhìn lại chính mình. Cười vào những trò hề do chính mình tạo ra, cười vào nỗi đau, cười vào cái tình yêu mà tôi cứ ngỡ là tuyệt đối.

Tôi bắt đầu sống lặng lẽ hơn, ân cần hơn với những người tôi yêu thương và nỗ lực tìm lại bản thân mình. Thì ra bấy lâu nay tôi đã giết chết tôi bởi nỗi tuyệt vọng, đánh mất những buổi mai đầy nắng ấm, đánh mất cả niềm tin vào những gì tốt đẹp. Trầm lắng để chiêm nghiệm, tôi thấy tâm hồn mình cần tĩnh tại đến dường nào. Hạnh phúc không phải là vớt lên được cái gì từ dòng nước, mà chính là quăng xuống bớt để dòng nước cuốn trôi đi… Dường như ai đó đã nói như vậy.

Tôi bắt đầu dọn đất trồng hoa trên mảnh vườn của mình và không mòn mỏi chờ đợi ai đó mang hương sắc đến nữa… "Biết mắt em vô thường/Tôi chiêm ngưỡng mà không cần muốn nó là của tôi/Tôi chiêm ngưỡng mà không cần nó có mặt muôn đời/Chiêm ngưỡng mắt em/Tôi còn giữ tự do tôi nguyên vẹn…". Bài học về tình yêu trong bài thơ Chân tình của thầy Thích Nhất Hạnh và những người đàn bà tuyệt vời tôi đã gặp dần làm lành trái tim tôi…

Tọa lạc tại địa chỉ 91/6N Hòa Hưng, P.12, Q.10, TP.HCM, ĐT: (08) 3868.2770, Hội quán Đời Rất Đẹp - DRD do Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến - Giám đốc Chương trình Khuyết tật và phát triển - DRD khởi dựng cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức và bạn bè thân hữu, là không gian ấm cúng và thân thiện để người khuyết tật có nơi để chia sẻ, cơ hội để vươn lên trong cuộc sống. Hội quán cũng thường xuyên tổ chức những sinh hoạt văn hóa xã hội, bên cạnh những hoạt động giao lưu, ca hát… Đặc biệt, đến đây bạn còn được thưởng thức những món ăn ngon và hấp dẫn do các bạn khuyết tật thực hiện.

Khu du lịch Một thoáng Việt Nam (bến Bò Cạp, ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) là một quần thể làng nghề thủ công truyền thống, với diện tích 22,5 ha, nằm cạnh rạch Bò Cạp, gần sông Sài Gòn. Khu du lịch bao gồm 30 hạng mục với: đền thờ đất nước, sa bàn nước Việt Nam, lầu vọng, ba khu tiêu biểu cho ba miền đất nước. Bên cạnh là khu văn hóa ẩm thực, đảo nuôi chim thú tự nhiên, khu chợ hàng tiểu thủ công nghiệp, chợ trên sông, vườn cây ăn trái... Nơi đây được mệnh danh là không gian văn hóa thu nhỏ của Việt Nam bởi sự đa dạng và đặc biệt về văn hóa - lịch sử mà khu du lịch này mang đến cho du khách.

Một thoáng Việt Nam cách tỉnh lộ 15 (qua khỏi Nghĩa trang Liệt sĩ Củ Chi - từ Sài Gòn lên) khoảng 1km đường trải nhựa. Xe bus từ Sài Gòn lên Địa đạo Củ Chi đi ngang qua điểm này. Du khách có thể tự đi hoặc thông qua các công ty lữ hành.

Xuân Lan

Nguồn: Sức Sống Mới

 

 


Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Từ khóa: DRD và các hoạt động, Gương điển hình, Hoàng Yến, Người khuyết tật, Phát triển cộng đồng, Phụ nữ khuyết tật, Sống đẹp

Tin liên quan

Go to top