TRUNG TÂM KHUYẾT TẬT VÀ PHÁT TRIỂN
BẢN TIN HOẠT ĐỘNG DRD THÁNG 12 NĂM 2019
-o0o-
Được thành lập vào 03/12/2005, dưới sự hỗ trợ ban đầu của Quỹ Ford, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của và vì nguời khuyết tật (NKT).
DRD cùng cộng đồng thực hiện mô hình hỗ trợ dựa trên quyền của NKT, với nỗ lực thúc đẩy bình đẳng cơ hội cho NKT, khuyến khích và tạo điều kiện để NKT tham gia đầy đủ vào các hoạt động giống như những thành viên khác của xã hội.
Đến nay, DRD đã và đang hỗ trợ cho hơn 3.500 NKT trên địa bàn TP. HCM và hỗ trợ mạng luới hơn 30 hội nhóm NKT phía Nam. Với nhiều hoạt động đa dạng và phong phú như giới thiệu thực tập, việc làm, tập huấn kỹ năng, vận động biện hộ, hỗ trợ di chuyển, học bổng, máy vi tính, dụng cụ trợ giúp, tư vấn thông tin, tham vấn đồng cảnh, truyền thông, tổ chức hội thảo, sự kiện nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề khuyết tật…, DRD được đánh giá là 1 trong 20 tổ chức phi chính phủ Việt Nam hoạt động hiệu quả và là tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực hỗ trợ NKT hòa nhập xã hội.
Ban biên tập
1. ÉN VÀNG nhận Giải thưởng Thành tựu Henry Viscardi 2019 - Henry Viscardi Achievement Awards!
Giải thưởng Thành tựu Henry Viscardi được thành lập để tôn vinh di sản và tầm nhìn của người sáng lập Trung tâm Viscardi, Tiến sĩ Henry Viscardi, Jr. (một người sinh ra không có chân và dùng chân giả). Henry Viscardi Jr. là người ủng hộ quyền người khuyết tật của Mỹ, người đã đấu tranh cho sự nghiệp bình đẳng và việc làm của người khuyết tật trong lực lượng lao động. Năm 1952, theo lời khuyên của bà Roosevelt...
2. Tập huấn giảng viên nguồn Công tác xã hội với người khuyết tật
Tập huấn viên chính là những học viên của khoá đào tạo TOT (đào tạo giảng viên nguồn) phụ trách. Nội dung tập huấn xoay quanh các vấn đề như: Khuyết tật, Bình đẳng và Hoà nhập; Hỗ trợ tâm lý; Hỗ trợ di chuyển; Giải quyết khủng hoảng; và Ứng dụng nguồn lực cộng động trong hỗ trợ NKT.
3. Hiểu mình để tìm việc
Trong phần đầu của chương trình, anh Tuấn Anh giúp các bạn hiểu được sở thích, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân thông qua mật mã Holland. Sau quá trình thảo luận, làm việc nhóm sôi nổi, làm bài test cá nhân, các bạn đã bước đầu nhận biết được một nhóm nghề nghiệp hợp với bản thân theo Mật mã Holland: kỹ thuật, nghiên cứu, nghệ thuật, xã hội, quản lý, nghiệp vụ.
4. Khi không có rào cản, người khuyết tật chỉ là sự đa dạng của thế giới đa dạng
“Chuyên môn về y tế chúng tôi có, nhưng khi được chỉ định thêm trách nhiệm ở phòng công tác xã hội của bệnh viện, chúng tôi vẫn còn thấy thiếu rất nhiều và chỉ làm theo trái tim và bản năng. Qua phần sắm vai giúp người khuyết tật vượt qua khủng hoảng đã nhắc nhớ những lần vì sao thân chủ không nghe mình nói. Chúng ta thường nói nhiều hơn lắng nghe họ, khuyên họ vượt qua cái này cái kia nhưng chưa thấu cảm họ. Tôi tiếc là thời gian sắm vai không nhiều để có thể nhận ra nhiều điều hơn nữa”.
Tin vắn:
5. Tổng kết chiến dịch "Đồng hành cùng D.Map"
Tính đến ngày 15/11/2019, D.Map đã có mặt ở 29 tỉnh thành, cập nhật được 14.791 địa điểm công cộng, có 1113 tài khoản người dùng với 1000 lượt truy cập mỗi ngày và số hội nhóm đồng hành cùng D.Map là 47. Những con số “biết nói” trên cho thấy D.Map ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình.
Không chỉ dừng lại ở con số, D.Map còn tác động thiết thực đến các cá nhân, tập thể để họ chú ý xây dựng hoặc sửa chữa các công trình công cộng sao cho thuận tiện hơn đối với người khuyết tật.
6. Đại diện drd dự lễ khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin
Sáng 5/12, lễ khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin và ký thỏa thuận triển khai một dự án 65 triệu USD nhằm hỗ trợ người khuyết tật diễn ra tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).
Tham dự sự kiện mang tính cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Mỹ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại biện Lâm thời Mỹ tại Việt Nam Caryn R. MacClelland cùng nhiều lãnh đạo ban, ngành địa phương. Đại diện DRD và ACDC tham dự và chứng kiến lễ ký kết.
7. Tổng kết hoạt động: những câu chuyện thành công và sự chung tay của cộng đồng
Với mục đích tổng kết lại những kết quả đã đạt được sau hơn một năm hoạt động của các CLB NKT, giới thiệu các gương người khuyết tật tiêu biểu và tuyên dương những thành viên có đóng góp tích cực cho hoạt động chung của CLB. Tại chương trình, sau khi thông qua báo cáo kết quả hoạt động của các CLB NKT, các đại biểu được lắng nghe những chia sẻ của 03 anh chị là gương người khuyết tật điển hình, các anh chị đã trải lòng về quá trình vượt qua mặc cảm tự ti và động lực vươn lên phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng, truyền cảm hứng cho các anh chị khác trong CLB.
8. Tập huấn kỹ năng làm việc nhóm – chuẩn bị kỹ năng cho Câu lạc bộ Người khuyết tật sắp thành lập
Thông qua các trò chơi nhóm, tập huấn viên đã giúp tham dự viên nhận ra vai trò của từng thành viên trong nhóm, tầm quan trọng của người đứng đầu, người điều phối nhóm, cách thức làm việc nhóm hiệu quả, kỹ năng liên kết các thành viên... Kết thúc 02 ngày tập huấn không chỉ là những nụ cười, những tràng pháo tay của các anh chị khuyết tật mà đó là khởi đầu cho một CLB nữa sắp được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
9. Danh sách mạnh thường quân ủng hộ hoạt động DRD tháng 12 - 2019
- Văn phòng luật sư Trương Thị Hoà hỗ trợ hoạt động học bổng của DRD 10.000.000VNĐ
- Chị Tutu Trần hỗ trợ hoạt động của DRD 2500AUD
✅ Câu hỏi:
Tôi là Loan quê ở Tây Ninh 72 tuổi bản thân tôi khuyết tật cụt 1 tay và mắt nhìn được 1 con. Tôi có một cháu trai tên H năm nay 17 tuổi, làm nghề sửa xe, cháu có quen với một bé gái tên A 13 tuổi qua mạng. Một, hai tháng cháu lên thành phố thăm A một lần. Tuần vừa rồi H lên thăm A và gia đình bên đó gọi cho tôi báo A đã có thai 2 tháng. Gia đình A yêu cầu tôi lên nói chuyện và đem tiền lên khám thai, nếu không gia đình sẽ làm to chuyện. Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, bố H mất cách đây 3 năm, bẹ H đi bước nữa, bản thân tôi già cả, khuyết tật làm gì có tiền và cũng không biết sẽ giải quyết chuyện này như thế nào. Nhờ luật sư tư vấn tôi phải làm gì khi cả hai cháu đều chưa đủ tuổi kết hôn?
✅ Trả lời:
Về vấn đề này, chúng tôi tư vấn như sau:
Do tính chất nghiêm trọng của sự việc nên chị và gia đình cần phải trao đổi rõ với cháu H về những vấn đề sau:
Thứ nhất: Về mối quan hệ giữa H và A:
- Có thật sự H có quen biết, gặp gỡ vs A. Hai bên có quan hệ tình cảm với nhau từ khi nào, lúc này H, A bao nhiêu tuổi?
- Hai bên có phát sinh quan hệ với nhau không, có thì từ khi nào lúc này H và A bao nhiêu tuổi? Hai bên quan hệ với nhau có tự nguyện hay không?
- Cần xác định chắc chắn cái thai trong bụng A có phải của H hay không, tránh trường hợp cái thai không phải của H mà gia đình mình lại nhận?
Thứ hai: Khả năng kinh tế của gia đình hiện nay như thế nào nếu như cái thai thật sự của H thì gia đình có hộ trỡ kinh tế cho gia đình A đuợc không/ được bao nhiêu? H có biết gì về hoàn cảnh gia đình của A không (A đang sống với ai, ở đâu, còn đi học hay không, …)
Giả sử:
- Trong trường hợp H và A có quan hệ với nhau thật và lúc xảy ra quan hệ A chưa đủ 13 tuổi (hoặc A đã đủ 13 tuổi nhưng không tự nguyện, đồng thuận) và lúc này H đã đủ 14 tuổi thì trong trường hợp này hành vi của H có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (Điều 142 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
b) Làm nạn nhân có thai;
…..”
- Trong trường hợp H và A có quan hệ khi A đã đủ 13 nhưng dưới 16 tuổi và có sự đồng thuận của A mà H đã đủ 18 tuổi có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” (Điều 145 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)
“Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
d) Làm nạn nhân có thai;”
(Điều 12 BLHS 2015 quy định về “Tuổi chịu trách nhiệm hình sự”
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
…”)
Do đó, gia đình cần phải tìm hiểu kỹ tình hình trước khi quyết định có gặp mặt trực tiếp nói chuyện với gia đình A hay không. Nếu đúng thật là H và A có quan hệ tình cảm và phát sinh quan hệ với nhau cái thai đúng là của H thì trước hết chị nên trao đổi qua điện thoại với gia đình A trước để xem quan điểm của họ đối với vấn đề này đồng thời chia sẻ trình bày về hoàn cảnh gia đình hiện tại của bên mình để xem thái độ của họ rồi tùy hoàn cảnh mà giải quyết. Vì trong trường hợp A dưới 13 tuổi thì gia đình bên A có thể tố cáo hành vi của H bất cứ lúc nào, ngay cả khi hai bên đã gặp mặt, gia đình đã đưa tiền cho bên A.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi.
Luật sư tư vấn - Đặng Đức Trí.
1. Bệnh viện Tâm thần tập huấn “ Công tác xã hội với người khuyết tật ”
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 và 05 tháng 12 năm 2019, Bệnh viện Tâm thần Long An tổ chức tập huấn về công tác xã hội với người khuyết tật cho gần 30 nhân viên y tế và người lao động của Bệnh viện.
2. Lưu giữ thanh xuân ở quán cà phê độc lạ
Một thành phố rất khác mà hai bạn trẻ này nói với nhau, nó khác ngay ở cách hai bạn thể hiện cảm xúc vừa ngỡ ngàng vừa thích thú và rất muốn thốt lên nhưng cuối cùng cũng chỉ thủ thỉ với nhau. Vì ở nơi đây, các bạn phục vụ đều là người câm điếc. Họ với khách không nói với nhau tiếng nào, chỉ có ngôn ngữ hình thể và những nụ cười thân thiện.
3. Ông lão không chân 19 năm bò lên núi trồng cây
Vô tình, ông nghe câu chuyện người nông dân Sơn Đông trồng cây để làm giàu. Từ số tiền đi nhặt rác, ông đã mua được nhiều cây giống để trồng trên các vách đá bỏ hoang. Cây phát triển nhanh, những người mua gỗ tìm đến trả giá mỗi cây 110 nhân dân tệ (khoảng 400 nghìn đồng).
Mục đích ban đầu trồng cây là để có tiền sinh hoạt, song ông Ma từ chối những lời đề nghị và quyết định không bán. "Bán cây cũng như bán đi gió và đất, những thứ đó là vô giá. Tôi đã xem cây như con của mình, như một người lính, tôi không thể chịu đựng được cái cảm giác phải đưa từng lưỡi cưa vào thân thể nó"
4. Ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm để người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn
Sản phẩm handmade do người khuyết tật làm ra chưa được vào cửa hàng, siêu thị. Hầu hết người mù sống bằng công việc bán vé số, tăm bông…tuy nhiên thu nhập bấp bênh. Massage là một trong những nghề có thu nhập ổn định nhưng không phải ai cũng có nghề, hơn nữa nếu đi làm thuê thì rất dễ bị lợi dụng làm công việc khác. Bên cạnh đó, mức trợ cấp cho người khuyết tật 380.000 đồng/ tháng như hiện rất thấp....
5. “kim cương tươi đẹp” của trẻ bệnh xương thủy tinh
Tùy thể trạng, mỗi đứa trẻ có một cách di chuyển, như lăn tròn, lê ngang, thụt lùi trên thảm, đầu đi trước, đứa thì xương mềm oặt phải cần ẵm bồng... Trẻ mắc bệnh xương thủy tinh bị lồng ngực nhô lên, khiến khó thở sau mỗi lần di chuyển. Tuy nhiên, các em thường không dễ dãi mở miệng cậy ai, mà luôn tự nhắc nhở: "Tôi chăm chỉ. Tôi hiểu bài. Tôi học giỏi. Tôi tự tin. Tôi tự giác. Tôi làm được".
6. Tổng kết hoạt động các CLB người khuyết tật tại Tây Ninh
Thời gian qua, các CLB đã tích cực vận động nguồn lực xã hội để chăm lo cho các thành viên. Nổi bật nhất, đã hỗ trợ trên 350 triệu đồng để các thành viên vay vốn phát triển sản xuất; trao hơn 20 xe lăn, xe lắc, xe đạp các loại cho các thành viên, cùng nhiều phần quà, suất học bổng cho người khuyết tật và con em của người khuyết tật. Các CLB cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động, như hội thao các môn thể thao dành cho người khuyết tật, các hoạt động về nguồn, tham quan, cắm trại...