Ở cuối con hẻm cụt 180D đường Hai Bà Trưng có nhiều người khiếm thị và khiếm thính vẫn đến giao tiếp hàng ngày với thế giới qua ngôn ngữ từ đôi tay. Tại đây, hai chàng trai, một Việt Nam và một Hà Lan, đã bỏ công việc lương cao của mình để mang ngôn ngữ của những người khiếm khuyết đến gần hơn với xã hội.
Mỗi buổi sáng Phạm Thị Bình đón xe Grabbike đến 180D Hai Bà Trưng làm việc. Cô gái 23 tuổi này khoe rằng tổ chức nơi cô làm việc đã hỗ trợ chi phí đi lại hàng ngày cho nhân viên. Bình là một kỹ thuật viên massage tại Noir Spa, một spa có thiết kế khá dặc biệt vì hệ thống đèn nơi đây được lắp đặt để cho độ sáng phù hợp với những người có bệnh về mắt như Bình. Đôi mắt của Bình bị rung lắc nhãn cầu từ nhỏ và thị lực của cô ngày càng suy giảm dần theo thời gian, cô đã phải từ bỏ ước mơ theo học ngành công nghệ thông tin để đi tìm việc làm phù hợp. Trong nỗ lực khắc phục khó khăn do bệnh tật, Bình tự nhận mình khá may mắn trong cộng đồng người khiếm thị khi có việc làm phù hợp với khả năng và có thể nuôi sống bản thân.
Câu chuyện của Phạm Thị Bình không phải là trường hợp riêng biệt trong cộng đồng người khiếm thị ở Việt Nam. Nhiều người khiếm thị như Bình đã nỗ lực theo học một nghề phù hợp với sức khỏe của mình, nhưng vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc chính thức và thu nhập ổn định.
Từ ý tưởng thiện nguyện đến mục tiêu bền vững
Trong một cuộc trò chuyện cùng TBKTSG Online, anh Dương Huỳnh Thanh Phú, quản lý tại Chi hội người mù Khánh Trường, chia sẻ rằng môi trường học tập bình thường có khá ít yếu tố hỗ trợ người khiếm thị nên đa phần những người khiếm thị gặp nhiều trở ngại khi theo đuổi việc học lên cao. Tìm được việc làm đối với họ lại càng khó khăn hơn.
Theo ghi nhận của người viết bài, các thành viên sinh hoạt tại Chi hội người mù Khánh Trường và nhiều người khiếm thị khác thường chọn theo học nghề mát-xa (massage), một nghề phù hợp với khả năng và sức khỏe của họ, nhưng vẫn lâm vào cảnh thất nghiệp. Lý do là hiện nay, có rất ít cơ sở massage tuyển dụng người khiếm thị làm kỹ thuật viên.
Bản thân anh Dương Huỳnh Thanh Phú cũng là người khiếm thị và anh đang là giáo viên dạy nhạc, lớp học cũng anh gặp khó khăn trong việc tìm học viên bởi không có nhiều học sinh quen với việc theo học nhạc với một giáo viên khuyết tật. “Chi hội người mù Khánh Trường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được các đơn vị, cơ quan chịu tuyển dụng thành viên của mình. Chúng tôi muốn tự lực, muốn được làm việc để nuôi sống bản thân nhưng cơ hội việc làm lại quá hạn hẹp”, anh Thanh Phú bộc bạch.
Do một cơ duyên tham gia các hoạt động tình nguyện mà Germ Doornbos và Vũ Anh Tú, hai người đồng nghiệp trong ngành nhà hàng khách sạn đã có dịp tìm hiểu về nỗi khó khăn của những người người khiếm thị trong hành trình tìm kiếm việc làm nuôi sống bản thân. Điều này làm hai người, một là người nước ngoài đã làm việc ở Việt Nam được hơn 15 năm và giữ vị trí quản lý cấp cao tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội và một là Trưởng phòng Kinh doanh tiệc và sự kiện của khách sạn này, trăn trở trong một thời gian dài. Cùng theo đuổi một ý tưởng thiện nguyện, cả hai lên kế hoạch cho một chương trình hỗ trợ người khuyết tật tìm được việc làm ổn định. Mục tiêu của chương trình là "giúp người khuyết tật cải thiện đời sống cá nhân, có thể tự lực trên "đôi chân" của mình mà không cần dựa dẫm vào người khác".
Cứ sau giờ làm việc là Germ Doornbos và Vũ Anh Tú lại tìm tòi nghiên cứu để định hình kế hoạch của mình. Theo nghiên cứu của họ, việc đào tạo nghề và tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật ở Việt Nam còn rất hạn chế, đặc biệt ở nhóm người khiếm thị, khiếm thính.
Những người khuyết tật vẫn phải chịu những kỳ thị trong xã hội dẫn đến tỷ lệ bỏ học và thất nghiệp trong hai nhóm khiếm thị và khiếm thích rất cao. Cụ thể, theo số liệu mà Germ Doornbos và Vũ Anh Tú ghi nhận, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm khiếm thị là hơn 90% và ở nhóm khiếm thính là hơn 65%. Cơ hội việc làm cho họ rất mong manh, nhiều nơi sẵn sàng thu nhận nhóm người yếu thế như trẻ mồ côi, trẻ em đường phố, phụ nữ dân tộc… về làm việc nhưng nhóm người khuyết tật lại bị bỏ qua vì còn khá nhiều định kiến về khả năng làm việc của họ.
“Ngay cả khi người khiếm thị có việc làm họ vẫn phụ thuộc vào nhà tuyển dụng. Nếu hoạt động kinh doanh của nhà tuyển dụng có kết quả khả quan thì người khiếm thị vẫn duy trì được việc làm, nếu hoạt động kinh doanh bị đi xuống thì họ nằm trong nhóm đối tượng bị cắt giảm. Việc làm bấp bênh, nghề nghiệp tương lai của họ cũng không ổn định", Germ Doornbos chia sẻ.
Do đó, Germ Doornbos và Vũ Anh Tú đã tìm hiểu rất nhiều về mô hình hỗ trợ người khuyết tật một cách bền vững trên thế giới. Họ tìm hiểu về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc để tìm hướng đi cho mình và đã chọn mục tiêu số 8 để làm khung sườn cho kế hoạch phát triển dự án tương lai.
Khi kể lạ câu chuyện khởi sự, cả hai đều cho biết đã chọn mục tiêu khó cho mình: “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc cung cấp việc làm đầy đủ và tốt nhất cho mọi người”. Mục tiêu mà đôi bạn này cùng hướng dến đó là ngoài việc tạo việc làm tốt nhất cho người khuyết tật, còn phải giúp họ phát triển từ nghề nghiệp của mình.
Trong lúc đang loay hoay tìm một mô hình kinh doanh đáp ứng được mục tiêu mình đặt ra, Germ Doornbos và Vũ Anh Tú đã có sự trải nghiệm tại một nhà hàng không ánh đèn tại Malaysia và đã nhìn ra được tiềm năng từ mô hình này. Người khiếm thị có thể làm việc tại một nhà hàng trong bóng tối.
Hai chàng trai một người Hà Lan, một người Việt đã rời bỏ công việc quản lý cấp cao, mức lương lý tưởng của mình tại Hà Nội để vào TPHCM thành lập dự án Journey of Senses (JOS) thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư An Việt Nam vào năm 2014. Cùng lúc đó, nhà hàng Noir. Dining in the Dark ra đời trong không gian tối om, không một bóng đèn do người khiếm thị phục vụ. Thực khách sẽ không biết trước món ăn của mình và sẽ cảm nhận nhiều hơn bằng mùi vị và hương vị của món ăn. Họ đã hình thành mô hình đầu tiên của mình đó là dịch vụ cao cấp với sự đóng góp từ những người khuyết tật.
Tại đây, khách ẩm thực sẽ cảm nhận về hoạt động của mình trong bóng tối như người khiếm thị cảm nhận. Qua đó, họ lại được thấy khả năng người khiếm thị làm việc hiệu quả ra sao. Khách đến nhà hàng không chỉ tận hưởng một bữa ăn thông thường mà còn hiểu hơn về người khiếm thị và gần gũi với họ hơn.
“Trong mô hình không gian ẩm thực trong bóng tối, các bạn khuyết tật sẽ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Những điểm chạm tiếp xúc xã hội này sẽ là những điểm chạm gây dựng nên lòng tin, xoá đi những kỳ thị, định kiến vốn có bấy lâu của xã hội về người khuyết tật”, Vũ Anh Tú chia sẻ.
Khởi nghiệp vì mục tiêu xã hội, phát triển vì cộng đồng
Ý tưởng mô hình nhà hàng cao cấp do người khiếm thị phục vụ, Noir. Dining in the Dark, của nhóm Germ Doornbos và Vũ Anh Tú đã thu hút rất nhiều khách hàng hưởng ứng và thành công đến với họ nhanh chóng. Chỉ sau ba năm kinh doanh nhà hàng do người khiếm thị phục vụ, JOS đã đủ cứng cáp để phát triển thêm các mô hình kinh doanh đồng hành cùng người khuyết tật khác.
Năm 2017, JOS đã mở thêm nhà hàng Blanc do người khiếm thính phục vụ. Germ Doornbos và Vũ Anh Tú cũng đưa mô hình giao tiếp cùng cùng người khiếm thính vào Blanc. Khách đến đây sẽ được học một số ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính để giao tiếp với nhân viên phục vụ khiếm thính. Khách chỉ cần giao tiếp theo hướng dẫn của quyển sổ tay ký hiệu để trên bàn để gọi món và yêu cầu phục vụ. Năm 2019, họ đã mở thêm Cửa hàng hoa Là Hoa tạo việc làm cho các bạn khiếm thính. Cùng năm đó, họ đã mở Noir Spa tạo thêm việc làm cho người khiếm thị, nơi Phạm Thị Bình đang làm việc.
Từ năm 2014 đến nay đã có 74 ngàn lượt khách đến với 4 điểm kinh doanh của JOS, bình quân 60 lượt khách/ngày. Trong đó, có rất nhiều đoàn du khách từ nước ngoài đến thăm và tìm hiểu về mô hình của JOS. Số lượng nhân viên khiếm thị và khiếm thính tại JOS tăng trưởng bình quân trên 40%/năm. Ban đầu Germ Doornbos và Vũ Anh Tú chỉ tìm nhân viên ở Mái ấm khiếm thị Nhật Hồng thì nay họ đã mở rộng tìm kiếm trên toàn thành phố.
Đi đôi với việc tuyển dụng người khuyết tật, Tú và Germ phải thiết kế tất cả quy trình làm việc và mô hình làm việc xung quanh khả năng của nhân viên để biến điểm yếu điểm của họ thành lợi thế trong môi trường công việc. “Người khuyết tật có nhiều khả năng làm việc mà chúng ta chưa hình dung tới. Tuy nhiên, họ cũng cần có cơ hội được thể hiện khả năng của mình. Không gian trong các mô hình tại JOS được thiết kế nhằm giúp người làm việc dù khiếm thị hay khiếm thính đều vận động thoải mái. Chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường mà ở đó người khuyết tật được đối xử bình đẳng và không ai bị bỏ lại phía sau - Equally and No One left behind”, Tú chia sẻ.
Tú và Germ cho rằng muốn giữ thành công của dự án dài lâu thì phải đảm bảo tăng trưởng bền vững cho 4 mô hình của JOS. Tú cho hay “với cách tiếp cận của chúng tôi, JOS phải mang giá trị cốt lõi của mình đến cho khách hàng. Với cách tiếp cận này, họ vẫn chú trọng yếu tố kinh doanh bền vững, tránh kinh doanh dựa trên lòng thương hại dù là doanh nghiệp xã hội. Khách hàng thấy được khả năng vô hạn của người khuyết tật sẽ là những đại sứ thay đổi nhận thức của xã hội về người khuyết tật và tạo nhiều hơn cơ hội việc làm cho họ.
Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cũng đã có đánh giá tích cực về mô hình JOS đang mang lại những tác động xã hội và cộng đồng người khuyết tật. Theo Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP thì JOS đã chứng minh được rằng một doanh nghiệp xã hội vẫn có thể đảm bảo lợi nhuận kinh doanh bền vững, vừa mang lại giá trị cho cộng đồng.
"Mô hình kinh doanh độc đáo của họ đã kích thích tăng trưởng doanh thu ổn định và mang lại việc làm bền vững cho cộng đồng. Đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản cũng là một điểm cộng của JOS, giúp chúng tôi thêm tin tưởng vào sự phát triển hơn nữa của doanh nghiệp trong tương lai, góp phần mang đến lợi ích bền vững hơn cho cộng đồng”, bà Oanh nhận xét.
Hiếm có dự án xã hội lại chú trọng việc tạo cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận trực tiếp với khách hàng hay đặt khách hàng vào vị trí của người khuyết tật. Tuy nhiên, JOS đã làm điều này và đã mang lại sự tự tin cho nhân viên của mình. Như trường hợp của Bình, phải nghỉ học và đi làm sớm mà em không buồn tủi mà mừng vì mình có được việc làm, không phải ở nhà để ba mẹ phải nuôi. Nơi em làm có nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh và cũng thấy may mắn vì mình đã có việc làm ổn định và có thể tự nuôi sống bản thân.
Các nhân viên khiếm thị và khiếm thính ở đây thông thuộc với không gian làm việc của mình như là ở nhà vậy. Có những người làm ở đây từ những ngày đầu nay được luân chuyển sang vị trí khác trong 4 mô hình của JOS để họ có thêm nhiều kinh nghiệm. Quan trọng hơn, họ có được sự tự tin của người làm chủ cuộc sống của mình dù ở đây họ lại không có những ưu tiên như một hội bảo trợ. Đây là chủ đích của những người xây dựng nên dự án JOS để người khiếm thị thấy được sự bình đẳng trong đối xử.
“Khi bạn giới thiệu tên bạn với người khác thì không bao giờ phải kèm theo chữ khiếm thị vào tên của mình. Họ là những người bình thường, hãy cho họ được quyền đối xử bình thường. Tiếp xúc nhiều với họ, tôi hiểu rằng họ cần một việc làm chứ không cần người nâng đỡ.”, Germ kể anh thường xuyên cảm thấy bức xúc khi nghe ai đó nhắc đến việc "bảo trợ người khuyết tật'.
“Thực tế là người khiếm thị có thể làm được rất nhiều thứ, họ chỉ có khiếm khuyết là không thể nhìn thấy được. Khi con người bị khiếm khuyết một giác quan, thì các giác quan còn lại hoạt động hiệu quả hơn người khác nhiều”, Germ chia sẻ. “Tại đây, họ được đào tạo bài bản như trong ngành nhà hàng khách sạn cao cấp, và được truyền tải cảm hứng, kinh nghiệm trong công việc. Chỉ cần giúp họ “chạm” - tiếp xúc nhiều hơn với dụng cụ, thì họ sẽ học rất nhanh. Ngoài ra, người khiếm thị còn học được thêm ngoại ngữ cơ bản để giao tiếp. Khi họ được trang bị đủ kỹ năng thì họ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn”.
Từ 2018 đến nay, JOS đã nhận được khá nhiều giải thưởng từ các mô hình kinh doanh trong dự án. Riêng năm 2019, JOS là sáng kiến tiêu biểu nhận giải thưởng Hòa nhập cao do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Hội đồng Anh tại Việt Nam trao tặng trong Chương trình tìm kiếm, tôn vinh và lan tỏa các sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững Én Xanh. Đây là chương trình tôn vinh các sáng kiến vì cộng đồng do VCCI, VUSTA, UNDP và CSIP phối hợp tổ chức.
Sau đó, JOS thêm một lần nữa ghi dấu ấn khi được Quỹ Sáng kiến Hỗ trợ Khởi nghiệp Du lịch vùng Mekong (Mekong Innovative Startups in Tourism - MIST) vinh danh. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam tiếp tục được tự hào khi JOS giành giải nhì trong tại vòng chung kết Cuộc thi tìm kiếm Tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019.
Cả hai chàng trai với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành khách sạn nhà hàng hiểu rằng họ vẫn còn có thể phát triển hệ sinh thái tạo việc làm cho người khuyết tật lớn hơn nữa. Vũ Anh Tú, sinh năm 1976, đã bắt đầu làm trong ngành dịch vụ ăn uống tại khách sạn Hilton Opera Hà Nội trong giai đoạn tiền khai trương. Sau đó Tú đã kinh qua nhiều vị trí quản lý cấp cao tại nhiều khách sạn nhà hàng trong đó có Sofitel Metropole Hà Nội nơi anh gặp Germ Doornbos sinh năm 1981 và có đến 20 năm kinh nghiệm làm trong ngành dịch vụ tại Hà Lan, Ý và Việt Nam. Với kinh nghiệm của mình, Tú và Germ đang muốn mở thêm nhiều điểm JOS ở khắp nơi.
Trước mắt, cả hai đang phát triển mô hình nhà hàng Chay Green Papaya chuyên phục vụ các món ăn chay Việt Nam chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ tươi sạch do các nhân viên khiếm thính phục vụ. Bên cạnh đó, họ sẽ tổ chức hoạt động triển lãm “Đối thoại trong bóng tối” giúp mọi người khám phá các không gian cuộc sống của người khiếm thị.
Ngoài ra, JOS sẽ nhân rộng mô hình của mình bằng cách nhượng quyền tại các thành phố du lịch khắp Việt Nam. Ý tưởng mở rộng của JOS đang nhận nhiều hưởng ứng từ nhiều tổ chức. Mới đây nhất, chương trình tăng tốc ươm tạo dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung giải quyết vấn đề xã hội Remake City Hanoi - HCMC thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng CSIP đã trao cho JOS số vốn hạt giống (seeding fund) là 85.000 đô la Mỹ.
Germ Doornbos chia sẻ rằng anh vẫn mong dự án của mình và Vũ Anh Tú lớn mạnh hơn để lan tỏa thông điệp của mình đến cộng đồng rộng hơn. Anh cho rằng các ngành chức năng ở Việt Nam cần có các chính sách cụ thể hơn để giúp người khuyết tật có công ăn việc làm. Germ chia sẻ ở quê hương Hà Lan của mình có các chính sách đặc biệt để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, ví dụ có những ngành nghề nhất định được yêu cầu phải sử dụng người lao động khuyết tật. Ngoài ra, anh cũng mong muốn người khuyết tật được hỗ trợ tốt hơn để theo đuổi việc giáo dục học tập để hòa nhập với cuộc sống tốt hơn.
Nội dung: Mỹ Huyền - Thành Hoa - Trình bày: Thu Trang
Nguồn: www.thesaigontimes.vn