Search

Vie

Eng

‘Người yếu’ và ‘kẻ mạnh’

Thứ sáu, 26 tháng 03 2021 19:39

Chia sẻ:

bs quy

Bs. Phạm Nguyên Quý

Là bác sĩ vốn loay hoay trong bệnh viện, tôi chỉ biết chia sẻ với bệnh nhân rằng có những khuyết tật dễ thấy, nhưng có nhiều khuyết tật khó nhận ra.

Gần 1/3 bệnh nhân mà tôi trực tiếp điều trị là người có khuyết tật. Họ có thể bị khiếm thính, khiếm thị hoặc liệt yếu một phần cơ thể. Cũng có người bị khiếm khuyết bên trong như suy thận, xơ phổi, thường khó biết nếu thoạt nhìn bên ngoài. Một vài người khác hơi bị lẫn hoặc thiểu năng trí tuệ mà đôi khi phải nói chuyện một hồi mới hay.

Tham gia chăm sóc họ trong thời gian dài giúp tôi biết thêm rằng Nhật Bản đã và đang triển khai nhiều chương trình phúc lợi xã hội để hỗ trợ người yếu thế. Từ việc ấn hành các chỉ dấu, biểu tượng để cộng đồng nhận ra người cần trợ giúp, đến việc đặt thang máy, làm đường băng để người khuyết tật dễ đi lại hơn. Bệnh nhân khiếm thị của tôi luôn có người dẫn đường khi đi khám, song tôi cũng nhận ra rằng xã hội ngoài kia vẫn còn nhiều rào cản làm người khuyết tật khó thích nghi và hòa nhập cuộc sống.

Đậu xe trái phép trên đường, lối đi hẹp, bậc cấp trong các tòa nhà, đường cho xe lăn quá dốc là vài trong những rào cản vật lý ngăn cản người khuyết tật tham gia hoạt động xã hội. Hạn chế trong di chuyển và cần người hỗ trợ cũng thường làm bệnh nhân gặp khó khăn khi sử dụng các dịch vụ công, làm họ mất đi cơ hội bình đẳng do rào cản thể chế, hay do các quy tắc và hệ thống xã hội.

Một vấn đề hay gặp khác là rào cản thông tin. Nó có thể trở nên nghiêm trọng khi có thiên tai, tai nạn vì người khuyết tật không thể phản ứng tốt như người bình thường. Tuy nhiên, có một loại rào cản khó loại bỏ nữa là rào cản ý thức - là rào cản "không chấp nhận" người khuyết tật như sự vô tâm, định kiến, kỳ thị và thờ ơ của một số người.

Một bệnh nhân khiếm thị kể với tôi rằng ông có lần bị vấp ngã vì có người đẩy vali chen ngang. Một bệnh nhân suy thận ước gì mình được nhường ghế ngồi trên xe bus đường dài từ bệnh viện về nhà. Người khác bị công ty từ chối gia hạn hợp đồng vì "bệnh nan y thì không làm được gì".

Nói đủ thứ chuyện với người bệnh, có lần tôi bị "đứng hình" khi bệnh nhân hỏi "tại sao người khuyết tật, người ốm yếu vẫn phải sống vậy bác sĩ?". Sau một tuần tìm hiểu và hỏi chuyện các bác sĩ khoa phục hồi chức năng, tôi nhận được câu trả lời thấm thía qua ví dụ về lắp đặt thang máy tại các nhà ga ở Nhật.

Chúng ta thường nghĩ đơn giản rằng việc có thang máy ở nhà ga là nhờ "dòng chảy tự nhiên" hay "lòng tốt" của công ty đường sắt và chính quyền. Tuy nhiên, thành quả này thực sự xuất phát từ kiến nghị và vận động không ngừng của người khuyết tật những năm 1970 ở xứ sở Phù Tang.

Thời điểm đó, chính phủ và hầu hết công chúng đều nghĩ rằng "không thể lắp đặt thiết bị đắt tiền như vậy cho người khuyết tật". Có người còn cho rằng đó là một yêu sách ích kỷ. Tuy nhiên, nhờ phong trào của người khuyết tật và sự ban hành các luật liên quan như "Luật không rào cản", thang máy đã trở thành một thiết bị bắt buộc lắp đặt tại các nhà ga và nhiều nơi công cộng.

Điều quan trọng là không chỉ người khuyết tật mới được hưởng lợi từ thang máy. Nó rốt cuộc lại giúp ích cho rất nhiều người gồm người già, em bé trên xe đẩy và cả du khách kéo vali nặng. Việc lắp đặt thang máy đã mang lại sự thuận tiện cho cả cộng đồng. Khát vọng hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật, dù ban đầu bị phản đối, cuối cùng đã giúp thay đổi xã hội theo hướng tốt hơn, làm cuộc sống trở nên nhân văn hơn.

Bệnh nhân của tôi đã mỉm cười khi nghe câu chuyện và hào hứng hơn trong việc lên tiếng về sự bất tiện của cuộc sống. Tôi cũng nhận ra niềm cảm hứng mới của nghề: không chỉ chữa trị căn bệnh mà cả người bệnh và chung tay "chữa trị" xã hội bao quanh họ.

Không chỉ với Nhật Bản mà cả ở Việt Nam, trong bối cảnh tỷ lệ người cao tuổi, có vấn đề về sức khỏe tăng nhanh, chăm sóc y tế ngày càng phải liên kết chặt chẽ với hỗ trợ sinh hoạt song song tại cộng đồng.

Tôi ước mong ngày càng nhiều người cùng quan tâm tới vận động xóa bỏ các rào cản liên quan đến người khuyết tật, nhẫn nại và lịch thiệp hơn với người kém may mắn hơn mình.

Một xã hội mà người khuyết tật có thể sống dễ dàng, hóa ra lại là nơi những người khỏe mạnh sống dễ dàng hơn. Việc cải thiện hệ thống phúc lợi cho những "kẻ yếu" sẽ góp phần tạo nên một xã hội cộng sinh thân thiện, chắc chắn giúp ích cho những "kẻ mạnh" khi suy yếu về già.

Phạm Nguyên Quý

Nguồn: VNExpress

 

Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Từ khóa: Bài viết, Chia sẻ

Tin liên quan

Go to top