Ngay từ đầu năm mới Thủ Tướng Chính Phủ đã ra Chỉ Thị Số: 01/2006/CT-TTg ngày 09 -01-2006, nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, xã hội và gia đình đối với NKT. Một trong những nhiệm vụ đó là tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tiếp cận các công trình công cộng.
Phiên họp toàn thể các uỷ viên Ban Điều Phối Các Hoạt Động Hỗ Trợ NKT Việt Nam (NCCD) vào ngày 26/10/2006 tại Hà Nội cũng đã thông qua kế hoạch hoạt động của những tháng cuối năm 2006. Trong phiên họp đó, Bộ Xây Dựng cho biết đang triển khai kiểm soát việc cấp phép xây dựng các công trình mới đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng tiếp cận. Bộ cũng chỉ đạo việc xây dựng các công trình mới và nâng cấp các công trình hiện có phải tuân thủ các bộ quy chuẩn xây dựng công trình công cộng số: QCXDVN01:2002 và các bộ tiêu chuẩn số: TCXD VN 246:2002, TCXD VN 265:2002, TCXD VN 266:2002. Những quy chuẩn đã được ban hành từ năm 2002!
Thế mà tôi lại nhìn thấy một hình ảnh quen thuộc được phản ảnh trên Tuổi Trẻ số ra ngày 28-10-2006. Quen thuộc vì NKT chúng tôi luôn phải đối mặt với những rào cản hữu hình như thế. Những rào cản hữu hình dấu đi đằng sau nó những rào cản vô hình: sự thiếu “công bằng trong sinh hoạt hằng ngày” vì “ai bàn cứ bàn, nhiều công trình công cộng vẫn thiết kế và xây dựng theo kiểu bỏ quên người khuyết tật” như lời chia sẻ của KTS. Lê Công Sĩ.
Đáng buồn hơn là sự bàng quang của chính những người đang công tác tại những tổ chức hỗ trợ NKT. Họ thường tổ chức những cuộc hội thảo, hoặc sắp xếp chỗ ăn ở cho các đại biểu khuyết tật ở những nơi mà NKT luôn phải đặt mình vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. Kêu ca thì người ta cho rằng mình hay đòi hỏi. Còn chấp nhận thì phải chịu để người ta mang vác mình trong nỗi sợ hãi bị rơi thang lầu (vì có ai được trang bị kỹ năng trợ giúp NKT đâu!) và dưới cái nhìn thương xót ái ngại của những người chung quanh. Có những “đại biểu” đã phải nhịn đi toilette đến tái xanh cả mặt vì xe lăn không thể lọt được qua cửa của những nơi này.
Lý lẻ đưa ra thường là “tiết kiệm chi phí” cho những cuộc hội thảo mà người ta không quan tâm đến cảm giác và sự tổn thương về mặt tinh thần của những đại biểu khuyết tật, vì không một ai muốn mình là gánh nặng hoặc phải luôn miệng nhờ vả hay làm phiền người khác. Lý lẻ đưa ra thường là “tiết kiệm chi phí” mà người ta không biết rằng để tạo điều kiện tiếp cận cho NKT chỉ tốn khoảng 0 đến 3% cho những công trình xây dựng mới, nhưng sẽ phải tốn đến 12% cho việc chỉnh sửa lại những công trình này khi những qui chuẩn được thực thi.
Người khác thì cho rằng không thể sửa chữa những công trình đã “lỡ” hoàn tất. Thế có nghĩa là những công trình đã xây sẽ mãi mãi là “cấm thành” đối với những công dân khuyết tật? NKT chỉ nên đừng nhìn mà tiếc rẻ những nhà hát, rạp chiếu phim, thư viện, nhà sách, công viên, lớp học, v.v… vì những nơi này đã “lỡ” xây rồi?
Đầu năm nay tôi có dịp đến thăm Nhật Bản, một đất nước với nhiều đền thờ và cung điện cổ kính. Điều gây bất ngờ cho tôi là ngồi xe lăn tôi vẫn có thể thăm viếng hầu hết những đền thờ và cung điện này. Tôi được biết rằng lúc đầu nhiều người cũng đã phản đối quyết liệt việc sửa đổi những nơi linh thiêng này, nhưng rồi việc tôn trọng phẩm giá và quyền của NKT đã thắng và những nơi này vẫn không hề mất đi vẻ đẹp cổ kính đã có.
Vấn đề ở đây không phải là sự tốn kém mà là cách nhìn nhận công bằng cơ hội cho NKT như là những công dân trong một xã hội bình đẳng. Trong khi chúng ta vẫn còn loay hoay trong việc đối xử với NKT như là đối tượng của sự từ thiện và lòng bác ái thì Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công Ước về Quyền Của NKT và thế giới đã tiến đến quan niệm thiết kế cho tất cả mọi người (universal design), vì người ta cho rằng ai cũng có lúc cần đến những thiết kế như thế, chứ không riêng NKT. Người già, phụ nữ có thai, người đẩy xe đẩy em bé, người khiêng vác nặng, người đang bệnh, v.v… đều cần đến những công trình xây dựng với sự tiếp cận dễ dàng.
NKT chúng tôi vẫn hy vọng rằng luật pháp đã ban hành sẽ được thực thi hiệu quả và chúng ta không còn phải nhìn thấy cảnh NKT đành lủi thủi quay về vì không thể đến được những nơi cần phải đến.
ThS. VÕ T. HOÀNG YẾN
Chương Trình Khuyết Tật và Phát Triển (DRD)
Đại Học Mở TP.HCM